03/08/2023 Lượt xem: 171
Là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Power of Radiance (POR) toàn cầu lần thứ 5, Đào Thị Hồng Quyên đã và đang góp phần lan tỏa sức mạnh tri thức cho trẻ em gái và phụ nữ trong cộng đồng thông qua giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).
Việt Nam đã tiếp cận giáo dục STEM từ cách đây khoảng hơn 15 năm. Ảnh: TL Mở cánh cửa STEM “Tôi muốn thu hẹp khoảng cách về giới bằng cách thay đổi suy nghĩ của xã hội về trẻ em gái một cách bình đẳng hơn, giúp các em tự tin lựa chọn và tích cực tham gia chương trình giáo dục STEM. Từ đó, khai phá và phát huy tối đa tiềm năng của bản thân và không bị hạn chế bởi bất kỳ giới hạn nào. Giải thưởng này mang đến cho tôi nguồn động lực để tiếp tục mở rộng và nâng cao các sáng kiến bình đẳng giới thông qua chương trình giáo dục STEM tại Việt Nam”, Quyên xúc động chia sẻ trên bục nhận giải. 4 cá nhân nhận giải các năm trước của POR, gồm Muzoon Almellehan - Nhà hoạt động giáo dục ở Syria và Đại sứ Thiện chí của UNICEF; Binita Shrestha và Pratiksha Pandey - Giám đốc Tổ chức những người phụ nữ STEM tại Nepal (Women in STEM Nepal - WiSTEM Nepal); Alyona Tkachenko - Nhà hoạt động giáo dục STEM ở Kazakhstan; và Amanda Simandjuntak - Giám đốc Điều hành và đồng sáng lập MARKODING Indonesia. Khoa học và công nghệ giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhiều vấn đề thế giới phải đối mặt như đại dịch, biến đổi khí hậu, chiến tranh và tình trạng nghèo đói. Vì thế, năng lực tiềm ẩn của một nửa dân số thế giới là trẻ em gái và phụ nữ nên được chú ý hơn. Theo UNICEF, đại dịch đã làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng về khoảng cách giáo dục. Tại Việt Nam, tỉ lệ nữ sinh dự thi vào lớp 10/2019 chiếm khoảng 10,5% tại tỉnh Lào Cai, thuộc khu vực miền núi Tây Bắc Việt Nam, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Khi các kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) bao gồm kiến thức lẫn ứng dụng chương trình và phần mềm máy tính ngày càng được yêu cầu nhiều hơn, bất bình đẳng giới càng thể hiện rõ nét khi số lượng nữ giới tham gia trong các ngành này không nhiều. Tỉ lệ nữ giới hoạt động trong lĩnh vực STEM là khoảng 26%, có một số lĩnh vực rất thấp, ví dụ như kỹ sư chỉ khoảng 15% (Women in STEM Statistics - STEM Women). “Khi tôi còn là nữ sinh, những hoạt động liên quan đến chế tạo thường không được giao cho nữ. Mọi người thường mặc định nữ phải thi nấu ăn, nam thi đá bóng hoặc chế tạo, sửa chữa... Khi chọn trường cho con, quan niệm này cũng chi phối ít nhiều phụ huynh”, Quyên nói. Việt Nam đã tiếp cận giáo dục STEM từ cách đây khoảng hơn 15 năm, khi Intel tài trợ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo những khóa tập huấn giáo viên các cấp để làm quen với Intel ISEF (nay là Regeneron ISEF), cuộc thi khoa học và kỹ thuật lớn nhất thế giới dành cho học sinh trung học. Tuy nhiên, việc thúc đẩy giáo dục STEM thông qua hệ thống cuộc thi ISEF như vậy chỉ tiếp cận được vài ngàn học sinh giỏi và giáo viên cấp tiến chủ yếu ở các đô thị. Điều này đã thôi thúc Quyên đưa chương trình giáo dục STEM đến gần hơn với trẻ em gái và phụ nữ bị thiệt thòi ở Việt Nam. “Những ngày đầu, tôi thậm chí còn không biết, việc dạy học tích hợp khoa học - kỹ thuật hay toán như vậy là STEM. Tôi chỉ biết rằng mình phải cố gắng để mỗi bài học hay hơn, sinh động hơn, gần với thực tế hơn”, Quyên bộc bạch. Hỏi lý do gắn bó với nghề giáo, Quyên thành thật: “Tôi cũng không rõ tại sao”. Thoạt đầu, cô muốn học y nhưng bố mẹ bảo thế thì lâu ra trường. Bố của Quyên cũng không được khỏe, ông muốn được nhìn thấy con tốt nghiệp đại học, vậy là cô chọn học sư phạm. Quyên nói, sau này đi dạy, cô mới thấy yêu nghề. “Cứ vào lớp là quên hết mọi thứ bên ngoài”, cô nói. Chia sẻ thêm về dự án đạt giải thưởng POR, Quyên cho biết 70% trẻ em Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, không được tiếp cận với giáo dục STEM. Lý do chính cho việc này là các trường trung học cơ sở và tiểu học thiếu chương trình giảng dạy STEM, đào tạo STEM cho giáo viên và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm... Để giải quyết những vấn đề này, Quyên và cộng sự đã khởi tạo một dự án STEM cho khu vực nông thôn bằng cách xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh từ nhân lực đến cơ sở vật chất thông qua đào tạo, thu hút tình nguyện viên và liên kết các làng nghề... Hành trình “Đại sứ STEM” Hành trình “Đại sứ STEM” của Quyên bắt đầu từ đợt cô tình nguyện tham gia các khóa tập huấn giáo viên ở Nam Định do Liên minh STEM tổ chức. Khi đó, Quyên vừa từ Mỹ về sau khóa tập huấn 2 tuần về giáo dục STEM của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA. Trong các giờ tập huấn, Quyên thường mặc bộ đồng phục của NASA để gây ấn tượng và tạo cảm hứng cho các thầy cô ở trường. Những bài học STEM không tốn kém nhưng vui nhộn và hiệu quả đã truyền cảm hứng đến nhiều thầy cô và cho chính bản thân Quyên. Mặc dù được đào tạo bài bản về giáo dục STEM qua các khóa học quốc tế, Quyên luôn ý thức việc lắng nghe và trau dồi kiến thức sát với hoàn cảnh thực tiễn. Trong vai trò Trưởng bộ môn Khoa học của Trường Trung học Genesis, Quyên đã có những đóng góp đáng kể cho chương trình giáo dục STEM suốt 8 năm qua. Không chỉ tham gia tập huấn giáo viên, Quyên còn tổ chức nhiều hoạt động STEM và dạy học STEM cho học sinh, trong số đó có vài nhóm học sinh đã được giải STEM quốc tế. Năm 2018, Quyên thành lập dự án STEM cho nông thôn hỗ trợ hơn 10 trường học và hơn 1.200 bé gái. Với vai trò Đại sứ cho dự án Girl in STEM của Hội đồng Anh, dự án của cô tại Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đã nâng tỉ lệ học sinh nữ tham gia hoạt động STEM lên đến 70%. Trong giai đoạn COVID-19, Quyên đã triển khai 28 hội thảo trực tuyến dành cho giáo viên về giáo dục STEM, giúp nâng cao nội dung về STEM và phát triển kỹ năng mềm, bao gồm kỹ năng tư vấn cho hơn 84.000 giáo viên tại Việt Nam. Từ năm 2021, với khoản tài trợ từ các dự án của Mỹ, Quyên đã mở rộng quy mô giáo dục STEM và định hướng nghề nghiệp trên toàn quốc. Năm 2022, cô được chọn tham gia giảng dạy chương trình Fulbright Teaching Program tại Đại học Fulbright. Quyên còn chủ động tham gia nhiều dự án như Đa dạng sinh học khu vực đất ngập nước - Mangrove Forest and Sustainable Development do YSEALI tài trợ; COVID-19 và Đại dịch tiếp theo - dự án học tập cộng đồng do National Geographic tài trợ; Giảng viên nguồn chương trình Be Internet Awesome - Chương trình an toàn mạng dành cho học sinh của Google.
Ảnh: giadinh.suckhoedoisong.vn Quyên khẳng định, muốn phát triển giáo dục STEM tại Việt Nam, cần đẩy mạnh nguồn lực từ giáo viên cả về số lượng lẫn chất lượng. Thêm vào đó, cần sự hỗ trợ của các đơn vị truyền thông để xã hội có sự thấu hiểu và quan tâm hơn. Sau giải thưởng POR, Quyên tiếp tục kết nối các nhóm thúc đẩy STEM, đọc sách ở Việt Nam, phát triển chương trình có tính bền vững, tiếp tục hoạt động sau khi dự án kết thúc. Hoạt động này hướng đến 3 mục tiêu: Phát triển giáo dục STEM dành cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi phía Bắc; Phát triển giáo dục STEM dành cho học sinh khuyết tật sau COVID-19; Thúc đẩy truyền thông giáo dục STEM. Các hoạt động kỳ vọng triển khai tới hơn 1.000 giáo viên cùng hơn 10.000 học sinh (trong đó 60% là học sinh nữ) nhằm hỗ trợ tiếp cận và phát triển giáo dục STEM, mang lại hiệu quả tích cực trong học tập và cuộc sống. Minh Lan/Nhipcaudautu.vn
Quy chế xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật ( 02/05/2024 )
Chính phủ ban hành Nghị định 36/2024/NĐ-CP quy định chi tiết xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 5 năm 2024....
Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học ( 02/05/2024 )
Ngày 10/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BGDĐT về quy định về Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (sau đây gọi tắt là Cuộc thi)....
Làm thế nào để bảo vệ một ý tưởng? ( 04/03/2024 )
Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng mọi ý tưởng sáng tạo đều có thể được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)....
Khi trí tuệ nhân tạo giúp chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ( 27/02/2024 )
Từ năm 2019, các chuyên gia công nghệ của EU đã sử dụng cách tiếp cận có tên “gươm hai lưỡi”: Nếu như một công nghệ trí tuệ nhân tạo cụ thể có thể bị sử dụng để xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cũng thường tồn tại khả năng sử dụng chính công nghệ đó để bảo vệ hay nâng cao việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ....
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 15
Truy cập trong 7 ngày :103
Tổng lượt truy cập : 14,983
|