Banner Ngày 26/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Phở Thìn là thương hiệu vô cùng quen thuộc đối với những tín đồ phở Hà Nội. Nhiều người biết hai địa chỉ mà họ có thể đến để thưởng thức món Phở Thìn “trứ danh” là Phở Thìn Bờ Hồ và Phở Thìn Lò Đúc với đặc trưng riêng trong hương vị phở ở mỗi nơi, nhưng không phải ai cũng biết đó là hai thương hiệu “Phở Thìn” khác nhau, của hai chủ sở hữu khác nhau và hoàn toàn không có mối liên hệ với nhau.

Lược lại lịch sử về nguồn gốc và sự phát triển, hai thương hiệu Phở Thìn đều có câu chuyện riêng của mình. Quá trình đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu PHỞ THÌN (sau đây ghi Phở Thìn) cũng là cuộc cạnh tranh thú vị của hai thương hiệu này.

Cuộc cạnh tranh đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu

Phở Thìn Bờ Hồ

Thương hiệu “Phở Thìn” đầu tiên ra đời năm 1955 do ông chủ Bùi Trí Thìn mở tại số 61 phố Đinh Tiên Hoàng – trong khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, nên còn được gọi là Phở Thìn Bờ Hồ(1). Ý thức việc bảo hộ thương hiệu lâu đời, gia đình ông Bùi Trí Thìn đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn cho dịch vụ nhà hàng ăn uống (nhóm 43) tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam từ năm 2003.

Nhãn hiệu này đã chấm dứt hiệu lực vào ngày 20-11-2013. Gia đình Phở Thìn Bờ Hồ sau đó đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Phở Thìn” vào ngày 26-12-2014. Cho đến thời điểm hiện tại, gia đình này đang sở hữu duy nhất một nhãn hiệu chữ Phở Thìn theo Giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu số 4027781 ngày 16-3-2017, thời hạn hiệu lực tới 26-12-2024 (có thể gia hạn hiệu lực không giới hạn, hoặc 10 năm 1 lần).

Ngoài ra, họ cũng đã đăng ký thêm một số mẫu nhãn hiệu biến thể của nhãn hiệu đã được bảo hộ như hai mẫu nhãn hiệu ở hình 1. Trong đó, mẫu nhãn hiệu thứ hai đang được sử dụng làm biển hiệu tại cơ sở duy nhất của Phở Thìn Bờ Hồ.

Phở Thìn Lò Đúc

Ra đời sau 24 năm – vào cuối năm 1979 là thương hiệu Phở Thìn thứ hai do ông chủ Nguyễn Trọng Thìn gây dựng tại địa chỉ số 13 Lò Đúc(2). Mang bản sắc và hương vị rất riêng biệt so với các loại phở bò trước đó, trải qua quá trình gây dựng và phát triển thương hiệu, Phở Thìn Lò Đúc cũng nổi danh không kém Phở Thìn Bờ Hồ và đã mở rộng thêm một số cơ sở kinh doanh ở trong nước và cả ở Nhật Bản và Úc.

Tuy thương hiệu này “đánh Đông dẹp Bắc” nhưng việc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu của họ gặp nhiều “trắc trở” do ở vị trí xuất phát sau trong cuộc cạnh tranh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Sau đây là bảng tổng hợp một số thông tin các mẫu nhãn hiệu mà chủ sở hữu Phở Thìn Lò Đúc đã nộp hồ sơ đăng ký tại Cục SHTT Việt Nam (theo trang Thư viện số về sở hữu công nghiệp):

Qua các mẫu nhãn hiệu đăng ký (xem hình 2), có thể thấy chủ sở hữu Phở Thìn Lò Đúc đã bổ sung thêm các dấu hiệu khác như địa chỉ quán, hình ảnh của chủ quán là ông Nguyễn Trọng Thìn vào mẫu nhãn hiệu để tạo sự khác biệt về nhận diện thương hiệu của mình với Phở Thìn Bờ Hồ.

Phở Thìn Lò Đúc có thể được bảo hộ nhãn hiệu có chứa dấu hiệu “Phở Thìn” hay không?

Xem xét góc độ pháp lý về đăng ký và bảo hộ độc quyền nhãn hiệu với tính phân biệt là đặc tính quan trọng nhất của nhãn hiệu, có thể hiểu việc đăng ký nhãn hiệu có chứa dấu hiệu trùng (hoặc tương tự) gây nhầm lẫn thuộc các chủ sở hữu khác nhau sẽ tuân theo nguyên tắc ai đăng ký trước thì giành được quyền trước.

Cơ sở để Cục SHTT từ chối các đăng ký nộp sau có chứa dấu hiệu Phở Thìn sẽ là dấu hiệu đăng ký không có khả năng phân biệt, căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 2 điều 74 Luật SHTT 2005, cụ thể là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho phở và dịch vụ nhà hàng ăn uống (cửa hàng phở).

Thực tế ghi nhận rằng, sau khi nhãn hiệu Phở Thìn được cấp cho gia đình ông Bùi Trí Thìn (Phở Thìn Bờ Hồ), cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ mẫu nhãn hiệu nào chứa dấu hiệu “Phở Thìn” được cấp, bao gồm cả đăng ký cho nhóm sản phẩm, dịch vụ khác với dịch vụ nhà hàng ăn uống và món phở.

Pho Thin 

Hình 1: Phở Thìn 61 Đinh Tiên Hoàng The Original Vietnamese Cuisine since 1955.

Ngoài ra, với đơn đăng ký nhãn hiệu theo số thứ tự 2 trong bảng nêu trên, có thể nhận thấy chủ sở hữu Phở Thìn Lò Đúc theo đuổi việc bảo hộ mẫu nhãn hiệu Phở Thìn với phạm vi danh mục lên đến 7 nhóm (67 sản phẩm).

Đơn đăng ký nhãn hiệu này đang ở tình trạng “bị phản đối cấp”, là hình thức mà pháp luật nhãn hiệu cho phép bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với Cục SHTT về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với hồ sơ đơn đăng ký đó, với điều kiện ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc nguồn thông tin để chứng minh.

Dù danh tính của bên phản đối không được công bố, khả năng cao đó là chủ sở hữu Phở Thìn Bờ Hồ, do họ là bên bị ảnh hưởng “sát sườn” nhất, đặc biệt khi Phở Thìn Lò Đúc đăng ký bảo hộ với danh mục sản phẩm, dịch vụ khá rộng và có những sản phẩm, dịch vụ tương đối liên quan đến dịch vụ nhà hàng ăn uống và món phở.

Tuy kết quả thẩm định của Cục SHTT đối với đơn bị phản đối đang bỏ ngỏ, căn cứ trên các quy định pháp luật và thực tiễn thẩm định nhãn hiệu tại Cục SHTT, có thể nói gần như chắc chắn là không thể có hai thương hiệu của hai chủ sở hữu khác nhau được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu Phở Thìn cho món phở và dịch vụ nhà hàng ăn uống cũng như các sản phẩm, dịch vụ tương tự.

Bài học rút ra

Thứ nhất, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam tuân theo nguyên tắc ai đăng ký trước thì giành được quyền trước, vì vậy, đừng chờ đợi đến khi thương hiệu kinh doanh của bạn phát triển rồi mới tính chuyện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bởi rất có thể lúc đó đã có những bên khác đăng ký trước mất rồi.

Hàm ý của thành ngữ “trâu chậm uống nước đục” là rất chính xác đối với trường hợp này. Thêm nữa, chi phí đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam hiện tương đối rẻ trong khi lợi ích của việc được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu là vô cùng lớn.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp đã gây dựng và phát triển thương hiệu lâu đời, đã được bảo hộ pháp lý đối với thương hiệu kinh doanh, vẫn cần tiếp tục bảo vệ thương hiệu của mình, giám sát và ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép, ngang nhiên, đại trà của bên thứ ba – việc mà có thể khiến cho nhãn hiệu mất đi tính phân biệt, trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu (ví dụ gọi Phở Thìn cho món phở bò Hà Nội truyền thống). Chủ sở hữu nhãn hiệu lúc đó sẽ bị mất đi hàng rào bảo hộ pháp lý cho thương hiệu của mình.

 Pho Thin

Hình 2: Một số thông tin các mẫu nhãn hiệu mà chủ sở hữu Phở Thìn Lò Đúc đã nộp hồ sơ đăng ký tại Cục SHTT Việt Nam – theo trang Thư viện số về sở hữu công nghiệp.

Thứ ba, việc sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ của bên khác cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và cũng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật SHTT Việt Nam.

Trong câu chuyện Phở Thìn, với tư cách là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu Phở Thìn, gia đình Phở Thìn Bờ Hồ có quyền ngăn cấm các bên thứ ba sử dụng dấu hiệu Phở Thìn (tương tự với nhãn hiệu Phở Thìn) cho dịch vụ nhà hàng ăn uống (cửa hàng phở), hàng hóa và dịch vụ tương tự hoặc liên quan đến cửa hàng phở, nếu việc sử dụng đó có khả năng gây nhầm lẫn, theo khoản 1 điều 129 Luật SHTT 2005.

Cụ thể việc sử dụng dấu hiệu trong trường hợp này có thể là treo biển tên cửa hàng, sử dụng làm tên miền… Không phải bên thứ ba nào cũng đạt được điều kiện về sử dụng dấu hiệu trung thực cũng như tạo dựng được bản sắc riêng và gây dựng thương hiệu thành công và được thừa nhận rộng rãi không kém Phở Thìn Bờ Hồ như Phở Thìn Lò Đúc, để không bị xem là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Cần lưu ý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ, tùy mức độ nặng nhẹ, có thể bị xử phạt hành chính, bị khởi kiện ra tòa và phải bồi thường thiệt hại, hoặc bị chế tài hình sự. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tôn trọng quyền đối với tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp khác, chủ động gây dựng thương hiệu của riêng mình và phát triển kinh doanh một cách trung thực, uy tín.

Linh Nguyễn/KTSG

(1) https://phothin.vn/

(2) https://phothin13loduchn.vn/

Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :130
Tổng lượt truy cập : 12,712