Banner Ngày 26/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật do Bộ Khoa và Công nghệ (trước đây là Ủy ban Khoa học Nhà nước), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lần đầu tiên năm 1989. Hội thi nhằm thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo trong toàn dân, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào lao động sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi trao giải cho các tác giả tại Hội thi lần XII, năm 2020-2021

 

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng (Hội thi) được tổ chức đầu tiên vào 1999, do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức.

 

Năm 2007, Liên hiệp Hội Sóc Trăng được thành lập, bắt đầu tham gia, phối hợp cùng Sở KH&CN, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội thi lần thứ VI/2008.

 

Năm 2010, Hội thi lần thứ VII được UBND tỉnh thống nhất giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đến nay. Hội thi đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi nhằm tạo ra và áp dụng giải pháp kỹ có giá trị vào thực tế, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

 

          Trong thời gian từ năm 2012-2021, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 5 lần Hội thi, thu hút 182 giải pháp tham gia, trong đó 96 đạt giải, phân bố ở 5 lĩnh vực (1) Công nghệ thông tin, điện tử; viễn thông; (2) Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí tự động hóa, chế tạo công cụ, dụng cụ; (3) Nông, lâm, ngư nghiệp; (4) Y dược, giáo dục và đào tạo; (5) Tài nguyên và môi trường. Riêng lĩnh vực “Vật liệu, hóa chất, năng lượng, xây dựng và giao thông vận tải” không có giải pháp tham gia dự thi, có thể do đặc thù của tỉnh không có thế mạnh về lĩnh vực này. Các giải pháp đoạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

 

Những kết quả đạt được

 

Về công tác tổ chức Hội thi. Trước đây, việc tổ chức Hội thi cấp tỉnh phải đợi văn bản phát động của Liên hiệp Hội Việt Nam (khoảng tháng 3 hàng năm) – cơ quan thường trực Hội thi toàn quốc, sau đó cơ quan thường trực Hội thi cấp tỉnh có văn bản xin chủ trương UBND tỉnh, xin kinh phí, thành lập Ban Tổ chức, tổ chức phát động...Năm 2014, Liên hiệp hội đã chủ động xây dựng, lấy ý kiến, tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành ban hành Quyết định số 308/QĐTC-CTUBND ngày 22/7/2014, ban hành Quy chế tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng nhằm cụ thể hóa Quyết định 165/2006/QĐ-TTg ngày 14/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật. Theo đó, Hội thi định kỳ tổ chức 2 năm/lần, giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là cơ quan thường trực Hội thi, phối hợp cùng 3 cơ quan chính liên quan là Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức. Theo Quy chế, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến Thể lệ, kế hoạch, kết quả Hội thi là nhiệm vụ chính trị của cơ quan truyền thông địa phương như Báo Sóc Trăng, Đài Phát thành – Truyền hình tỉnh, Ban Tổ chức Hội thi không phải mất chi phí cho hoạt động này. Sau khi có Quy chế, công tac tổ chức Hội thi đã được chủ động về kinh phí, về tổ chức cũng như các hoạt thông tin, tuyền truyền. Cơ quan thường trực Hội thi lập dự toán, tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan gửi Sở Tài chính thẩm định, cấp kinh phí theo quy định.

 

Theo thời gian, Hội thi cho thấy được lan tỏa rộng hơn so với những năm trước; các tác giả có sự chuẩn bị chu đáo cho giải pháp dự thi; những giải pháp đạt giải đều đảm bảo tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội. Điển hình là những giải pháp về công nghệ thông tin phục vụ trong công tác quản lý, tác nghiệp và những công việc chuyên môn, ứng dụng được trong nhiều cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó còn có những giải pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp, giải pháp góp phần bảo vệ môi trường,… nhiều giải pháp kỹ thuật, sản phẩm mới đã được ứng dụng, thương mại hóa trên thị trường Các tác giả/nhóm tác có giải pháp đạt giải cao, ngoài phần khen thưởng của UBND tỉnh, Ban Tổ chức Hội thi, còn được xem xét tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ Sáng tạo” của Trung ương Đoàn (thông quan Tỉnh đoàn đề xuất) và tặng “Bằng Lao động Sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (thông qua Liên đoàn Loa động tỉnh đề xuất). Trong đó, một số giải pháp đạt giải đã được cấp bằng sáng chế; một số giải pháp được xem xét đề nghị vinh danh trong “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức; vinh danh “Nhà khoa học của nông dân” do Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tỏ chức. Các giải pháp đạt giải Nhất, Nhì, Ba được Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp tỉnh ưu tiên xem xét, công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Đối tượng dự thi cũng ngày càng phong phú hơn, từ các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật đến các thành phần nông dân, công nhân  cũng có giải pháp dự thi và đạt được giải cao. Những hình thức khen thưởng trên đã tôn vinh, động viên, khuyến khích các nhà khoa học, các nhà sáng tạo, các tác giả có sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong tỉnh. Công tác tổ chức Hội tghi đã đi vào nề nếp, cơ quan thường trực Hội thi ngày càng có kinh nghiệp hơn.

 

Hội thi đã tạo thêm động lực kích thích sự sáng tạo, nghiên cứu, tìm tòi để có thêm nhiều giải pháp hơn nữa vừa nâng cao hiệu quả công việc, vừa hưởng ứng phong trào thi đua sáng tạo của tỉnh tổ chức, góp phần xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng phát triển, văn minh. Hội thi đã dần tạo được uy tín, được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tham gia và được xã hội đánh giá cao.

 

Hạn chế, nguyên nhân

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội thi vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định: số lượng các giải pháp tham gia trong những lần tổ chức Hội thi chưa cao, năm cao nhất chỉ có 53 giải pháp tham gia, năm thấp nhất chỉ có 19 giải pháp tham gia; gần như chưa thu hút được nhiều giải pháp tham gia từ các doanh nghiệp; chất lượng của các giải pháp tham gia tuy có nhiều tiến bộ nhưng chưa có giải pháp mang tính đột phá, chưa có giải pháp nào đạt giải Hội thi toàn quốc.

 

Vai trò phối hợp của các đơn vị có liên quan chưa cao; các thành viên Ban Tổ chức là lãnh đạo của các sở, ngành, tuy có thuận lợi về mặt chỉ đạo nhưng do kiêm nhiều việc nên cũng ít có thời gian cho công tác tổ chức Hội thi, chưa tích cực triển khai ở ngành mình.

 

Công tác tuyên truyền, vận động tham gia Hội thi chưa thật sự sâu rộng đến cấp huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.

 

Sóc Trăng là tỉnh còn nhiều khó khăn, thu ngân sách còn hạn chế, thu chưa đủ chi. Mặc dù lãnh đạo tỉnh có nhiều quan tâm cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nhưng ngân sách đầu tư của tỉnh cho khoa học và công nghệ còn hạn hẹp, do đó, việc triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn ít, cở sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu chưa đủ mạnh; khả năng hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của một bộ phận cán bộ kỹ thuật tại các đơn vị khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

 

Giải thưởng Hội thi từng bước được nâng lên nhưng chưa đủ sức hấp dẫn đối với những giải pháp được đầu tư lớn, hiệu quả cao; chưa thu hút sự quan tâm tài trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. So với các tỉnh khác, giá trị giải thưởng Hội thi tỉnh còn khiêm tốn.

 

Một số tác giả có nhiều khó khăn trong xây dựng hồ sơ, sợ lộ bí mật cộng nghệ hoặc có khó khăn trong việc trình bày giải pháp bằng văn bản.

 

Bài học kinh nghiệm

 

Sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh; sự đồng thuận, tích cực phối hợp, triển khai của các đơn vị đồng tổ chức thông qua các thành viên Ban Tổ chức; sự hỗ trợ của các sở, ngành trong công tác tài chính và khen thưởng là yếu tố quan trọng giúp cho Hội thi thành công.

 

Các cơ quan chủ trì, phối hợp tổ chức Hội thi, các thành viên Ban Tổ chức cần chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các chuyên viên, các tổ chức khoa hoc và công nghệ trực thuộc tích cực nghiên cứu, sáng tạo, tích cực tham gia Hội thi. Thông qua Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh để huy động sự tham gia của các kỹ sư, các giải pháp kỹ thuật từ doanh nghiệp.

 

Phát huy tính chủ động, tích cực của cơ quan thường trực Hội thi trong việc tìm hiểu, khai thác các hoạt động sáng tạo, các sản phẩm mới thông qua các cơ quan thông tin đại chúng (Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh tuyền hình tỉnh), thông qua các sáng kiến cấp tỉnh đã được công nhận,...Quá đó, tổ chức các đoàn công tác của Ban Tổ chức Hội thi tìm hiểu, động viên, hướng dẫn, khuyến khích tham gia.

 

Làm tốt công tác tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có giải pháp đạt giải cao trong Hội thi, cần có biện pháp hỗ trợ, tạo môi trường phát triển cho các tác giả có giải pháp đạt giải, đặc biệt là các giải pháp được ứng dụng đạt hiệu quả cao trong thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh nhà.

 

Tăng cường công tác vận động nguồn hỗ trợ, tài trợ (ngoài ngân sách của tỉnh) để nâng cao giá trị giải thưởng, hỗ trợ một phần kinh phí cho các tác giả là nông dân trực tiếp sản xuất,…Thiết nghĩ, đây là đòn bẫy khuyến khích, khơi dậy sự quan tâm của toàn dân trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quá trình lao động và học tập.

 

Gắn hoạt động Hội thi với hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, các Chương trình hỗ trợ phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ phát triển tài năng,...

 

Sự công tâm, khách quan của Ban Tổ chức Hội thi, Hội đồng Giám khảo trong xét chọn giải pháp.

 

Trần Minh Thành

 

Truy cập hôm nay : 17
Truy cập trong 7 ngày :131
Tổng lượt truy cập : 12,720