08/05/2023 Lượt xem: 156
Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu về pin lithium-ion. Giờ đây, các quốc gia đối thủ đang tranh giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với “dầu trắng” này.
Nhà máy tinh chế lithium cấp pin đầu tiên của Úc cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô một giải pháp thay thế nguồn cung cấp từ Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg Cảng công nghiệp Kwinana trên bờ biển phía Tây nước Úc là một mô hình thu nhỏ của ngành năng lượng toàn cầu. Từ năm 1955, đây là nơi đặt một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất trong khu vực, thuộc sở hữu của British Oil – công ty dầu mỏ Anh – Iran. Nơi đây từng cung cấp 70% nguồn nhiên liệu cho Tây Úc. Vỏ kim loại của những thùng chứa dầu khổng lồ vẫn sừng sững trên bờ biển nhưng dần chuyển sang gỉ sét do hơi mặn. Nhà máy lọc dầu đóng cửa vào tháng 3-2021, nhưng không chỉ có dầu bên dưới lớp đất nơi đây. Úc chiếm một nửa trữ lượng lithium của thế giới. Những chiếc xe tải và máy móc lại một lần nữa hoạt động ầm ĩ, nhưng giờ đây chúng là một phần của cuộc đua đảm bảo nguồn năng lượng sạch của tương lai – cuộc đua do Trung Quốc thống trị. Trong 30 năm qua, lithium đã trở thành một nguồn tài nguyên quý giá. Nó là một thành phần quan trọng của pin điện thoại, máy tính xách tay và những chiếc xe điện sẽ sớm phổ biến trên đường phố. Cho tới tận gần đây, lithium được khai thác ở Úc vẫn phải tinh chế và xử lý ở nơi khác. Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng lithium Nói về xử lý lithium, Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua và bỏ xa các đối thủ khác. Hàng trăm nhà máy khổng lồ trên khắp đất nước này đang sản xuất hàng triệu pin xe điện cho cả thị trường trong nước và các nhà sản xuất ô tô nước ngoài như BMW, Volkswagen và Tesla. Thị phần của Trung Quốc chiếm tới 80% thị trường pin lithium-ion toàn cầu, theo ước tính từ BloombergNEF. Sáu trong số 10 nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất có trụ sở tại Trung Quốc. Tiêu biểu là CATL – nhà sản xuất 30% pin xe điện toàn cầu. Sự thống trị của Trung Quốc trải dài toàn bộ chuỗi cung ứng, cả đầu vào và đầu ra. Các công ty Trung Quốc đã ký các thỏa thuận ưu đãi với các quốc gia giàu lithium và được hưởng lợi từ khoản đầu tư khổng lồ của chính phủ vào các bước phức tạp giữa khai thác và sản xuất. Điều đó khiến phần còn lại của thế giới lo lắng. Mỹ và châu Âu hiện đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào lithium từ Trung Quốc trước khi quá muộn. Một số chuyên gia lo ngại kịch bản tương tự như cuộc khủng hoảng dầu mỏ tạo ra bởi cuộc chiến Nga và Ukraine và căng thẳng địa chính trị sẽ diễn ra với lithium. Nếu có căng thẳng, Trung Quốc có thể sử dụng sự thống trị để cắt nguồn cung cấp cho pin xe điện. “Nếu Trung Quốc quyết định tập trung vào thị trường nội địa, pin lithium-ion xuất ra bên ngoài sẽ đắt hơn. Điều này khiến nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất pin của phương Tây trở nên “cấp bách hơn bao giờ hết”, Andrew Barron, giáo sư về năng lượng carbon thấp và môi trường tại Đại học Swansea nhận định. Những nỗ lực đó đang hình thành, mặc dù chậm. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, sẽ có 13 nhà máy mới ở Mỹ vào năm 2025, thêm 35 nhà máy nữa ở châu Âu vào năm 2035. Nhưng những nhà máy khổng lồ đó sẽ cần lithium – và rất nhiều lithium. Vào tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch sử dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng để tài trợ cho việc khai thác lithium trong nước và các vật liệu pin quan trọng khác dưới sự bảo trợ của an ninh quốc gia. Bên kia Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu đang thúc đẩy luật pháp để cố gắng tạo ra chuỗi cung ứng pin xanh ở châu Âu, tập trung vào tái chế lithium. Cuộc đua giành quyền kiểm soát Cuộc đua không chỉ dừng lại ở khai thác và sản xuất pin. Biến quặng lithium thành liti cacbonat hoặc liti hydroxit tinh khiết để có thể sử dụng cho pin là một hoạt động phức tạp và tốn kém. Phải mất nhiều năm để đưa một nhà máy chế biến lithium hoặc sản xuất pin đi vào hoạt động. Mỹ có thể phải mất hàng thập kỷ và 175 tỉ đô la Mỹ để bắt kịp Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc kiểm soát ít nhất hai phần ba công suất tinh chế lithium của thế giới và chính điều này hơn bất cứ thứ gì có thể giúp nước này thống lĩnh thị trường pin trong nhiều năm tới. Nếu không có sự đầu tư khẩn cấp vào bước giữa này, lithium được khai thác từ các mỏ mới ở Mỹ và châu Âu có thể vẫn cần được vận chuyển đến Trung Quốc để tinh chế trước khi có thể sử dụng trong ô tô điện. Điều này làm tăng lượng khí thải, ảnh hưởng đến sự độc lập về năng lượng và chuyển giao Trung Quốc một con át chủ bài. Nhìn từ bên ngoài, Úc dường như đang đi đúng hướng khi một nhà máy tinh chế lithium được xây ở phía Bắc nhà máy lọc dầu cũ trong tháng 5/2022 vừa qua. Lần đầu tiên nhà máy này đã biến thành công một loại quặng lithium có tên là spodumene thành lithium hydroxit chạy được trong pin. Nhưng ngay cả điều đó cũng không mang lại cho Úc khả năng tinh chế và tự chủ bán lithium. Nhà máy này là một liên doanh và cổ đông chính của nó là Tianqi Lithium, một công ty khai thác và sản xuất của Trung Quốc. Trong chuỗi cung ứng pin toàn cầu, Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi. Tianqi Lithium cũng sở hữu cổ phần tại SQM, công ty khai thác mỏ lớn nhất Chile và Greenbushes, mỏ lithium lớn nhất Úc. Cả Tianqi Lithium và đối thủ trong nước Gangfeng Lithium đều ký kết các thỏa thuận trên khắp “tam giác lithium” của Nam Mỹ – một khu vực giàu khoáng sản của dãy Andes tại ngã ba giữa Argentina, Bolivia và Chile. Chuyện đang xảy ra tương tự đối với các vật liệu đất hiếm khác cần thiết cho pin. Trung Quốc kiểm soát 70% ngành khai thác mỏ ở Congo, nơi sản xuất gần như toàn bộ cobalt của thế giới, một thành phần quan trọng khác của pin lithium-ion. Ngoài việc kiểm soát cung cấp lithium toàn cầu, Trung Quốc cũng đã bắt đầu mở rộng sản xuất trong nước. Nước này hiện là nhà sản xuất lithium lớn thứ 3 sau Úc và Chile, mặc dù nước này nắm giữ chưa đến 10% trữ lượng của thế giới. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể lấy lithium từ nguyên liệu thô cho đến pin thành phẩm mà không phải phụ thuộc vào hóa chất hoặc linh kiện nhập khẩu. Sự thống trị này đã không xảy ra ngày một ngày hai. Năm 2015, Trung Quốc đã đưa lithium trở thành ưu tiên quốc gia như một phần của chiến lược công nghiệp “Made in 2025”. Ước tính 60 tỉ đô la Mỹ trợ cấp cho xe điện đã giúp tạo ra một thị trường và chuỗi cung ứng pin đi cùng với thị trường đó. Các công ty pin đã đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ vào các nguồn lithium trong nước theo cách không thể có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Vạch đích vẫn ở phía trước Tuy nhiên, pin xe điện còn cần nhiều nguyên liệu ngoài lithium. Trung Quốc vẫn dựa vào nhập khẩu cobalt, niken, đồng và than chì. Điều này đảm bảo sự phụ thuộc khác nhau giữa các quốc gia. “Nếu Trung Quốc quyết định không xuất khẩu bất kỳ loại pin xe điện nào, các nước phương Tây có thể quyết định không xuất khẩu niken sang Trung Quốc. Trung Quốc không có nhà máy để sản xuất niken có độ tinh khiết cao nhất”, Andrew Barron nói. Cán cân quyền lực có thể thay đổi khi cả hai bên đầu tư vào sự độc lập về năng lượng, tuy nhiên, điều này cũng ẩn chứa nhiều vấn đề về xã hội. Tham vọng thống trị các chuỗi cung ứng chính về khoáng sản và kim loại cần thiết trong sản xuất pin cho xe điện của Trung Quốc đi trước các đối thủ một đoạn dài. Với cobalt – một khoáng sản quan trọng và đắt giá bậc nhất trong sản xuất pin xe điện, Trung Quốc từ lâu đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Chính phủ nước này hỗ trợ nguồn tài chính cho các công ty khai thác mỏ tham gia vào hoạt động này tại những nơi có trữ lượng lớn như Congo – chiếm hai phần ba sản lượng của thế giới. Các hoạt động đầu tư này được triển khai hàng chục năm qua. Gần đây, với vụ kiện yêu cầu tước quyền điều hành mỏ của nhà đầu tư Trung Quốc, các bên liên quan như Congo mới tích cực hơn trong việc tìm cách trở thành một bên tham gia lớn hơn trong cuộc cách mạng năng lượng sạch toàn cầu. Cuối cùng, về cơ bản, lithium không khan hiếm. Khi giá cả tăng lên, các công nghệ mới có thể trở nên khả thi hơn về mặt kinh tế – chẳng hạn như cách chiết xuất lithium từ nước biển hoặc một loại hóa chất pin hoàn toàn mới loại bỏ hoàn toàn nhu cầu về lithium. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khủng hoảng nguồn cung có thể làm gián đoạn việc chuyển sang xe điện. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ có lợi thế rất lớn nếu điều đó xảy ra. Tuệ Minh/KTSG Nguồn: Wired, New York Times
Liên minh châu Âu đi đầu trong làm luật quản lý AI ( 30/07/2024 )
Một ví dụ tiêu biểu về xây dựng luật quản lý AI chính là Liên minh châu Âu (EU). Ngày 9-12-2023, tổ chức liên quốc gia này đã đi tới một “thỏa thuận chính trị” liên quan tới Luật về AI, sau ba ngày thương thuyết đầy căng thẳng giữa các nước thành viên và Nghị viện châu Âu....
Lịch sử và ý nghĩa ngày môi trường Thế giới 5/6 ( 05/06/2024 )
Ngày 5/6 hằng năm trở nên ý nghĩa và quan trọng đối với môi trường trên toàn thế giới bởi đây chính là “Ngày Môi trường Thế giới”. Vào ngày này, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được đẩy mạnh thực hiện, tuyên truyền. Chúng ta cùng tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa và chủ đề của ngày này chưa!...
Cuộc đua cảng trung chuyển tại châu Á ( 19/04/2024 )
Việt Nam đang bước vào thị trường cảng trung chuyển container quốc tế trong khu vực châu Á, thị trường có tính cạnh tranh được đánh giá là rất khốc liệt....
Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024: Vươn mình trong biến động ( 17/04/2024 )
Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF 2024) đã thành công tốt đẹp tại Pháp, mang lại nhiều khát vọng và niềm tin trong việc xây dựng và phát triển nước nhà....
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 47
Truy cập trong 7 ngày :156
Tổng lượt truy cập : 15,866
|