Banner Ngày 3/1/2025
Thông báo Tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện vào năm 2025 ( 09/12/2024 )
 05/04/2023 Lượt xem: 253

Các công ty công nghệ tài chính (fintech) hàng đầu của thế giới đang chịu sức ép lớn trong bối cảnh lãi suất cao hơn trong khi phần lớn mô hình kinh doanh của họ chưa sinh lãi. Đó là nguyên nhân khiến cổ phiếu của các công ty này bị kéo trở lại ‘mặt đất’ sau khi ‘bay cao’ trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Anh bai Fintech

Giá cổ phiếu của Công ty chuyển tiền và thanh toán mua sắm trực tuyến PayPal (Mỹ) giảm 62% trong năm 2022. Hiện tại, tính đến 3-1, giá cổ phiếu PayPal giao dịch ở mức 74,58 đô la Mỹ so với mức đỉnh 308,53 đô la được thiết lập vào tháng 7-2021.   Ảnh: Bttc.com

Với tầm nhìn mang lại sự đổi mới theo phong cách Thung lũng Silicon ở các lĩnh vực cho vay, đầu tư và thanh toán, các công ty fintech từ lâu được giới đầu tư gửi gắm niềm kỳ vọng lớn. Thậm chí, họ được xem là ‘ngân hàng của tương lai’, áp đặt mối đe dọa tiềm tàng đối với các ngân hàng truyền thống.

Được hưởng lợi từ nhu cầu tăng vọt do tác động của đại dịch Covid-19, giá cổ phiếu của các công ty fintech đình đám như Paypal, Block, Payoneer, Global Payments, Sofi Technologies đồng loạt thăng hoa trong năm 2021. Tuy nhiên, trong năm qua, cổ phiếu ngành fintech lao dốc mạnh hơn nhiều so với cổ phiếu công nghệ và tài chính nói chung.

Giá cổ phiếu của nhiều công ty fintech rơi từ đỉnh cao xuống vực sâu trong năm ngoái do họ dễ bị tổn thương hơn trước các mức lãi suất cao, sự biến mất của các yếu tố xúc tác trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và sự thận trọng lớn hơn của giới đầu tư đối với với các công ty chạy theo sách lược ‘đốt tiền’ chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá.

Giá chứng chỉ quỹ của Global X Fintech ETF, chuyên theo dõi cổ phiếu fintech, giảm 52% trong năm 2022. Mức giảm đó ‘thê thảm’ hơn nhiều so với mức giảm 12% của chứng chỉ quỹ của Financial Select Sector SPDR Fund, theo dõi cổ phiếu ngành tài chính trong chỉ số S&P 500 ở thị trường chứng khoán Mỹ, và cũng cao hơn so với mức giảm 33% của chỉ số Nasdaq Composite, nơi quy tụ các cổ phiếu công nghệ hàng đầu của Mỹ.

Các quỹ và chỉ số tập trung vào fintech khác thậm chí còn hoạt động kém hơn. Chứng chỉ quỹ ARK Fintech Innovation ETF của nhà quản lý quỹ nổi tiếng Cathie Wood, nắm giữ các cổ phiếu fintech hàng đầu bao gồm Shopify, Block và Coinbase Global, giảm giá đến 65% trong năm 2022. Chỉ số F-Prime Fintech, chuyên theo dõi hiệu suất của các công ty fintech đột phá, giảm 71% cho đến cuối tháng 12. Sáu trong số 60 công ty fintech trong nằm trong chỉ số này, bao gồm Affirm Holdings, Dave Inc, Doma Holdings, Opendoor Technologies, Root Inc. và Upstart Holdings, chứng kiến giá cổ phiếu giảm hơn 90% trong năm ngoái.

Tất cả cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao, bao gồm cả fintech đều bị bán tháo vào năm 2022 sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bước vào chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ kể từ đầu thập niên 1980 để chống lạm phát. Lãi suất cao hơn mang lại cho các nhà đầu tư nhiều lựa chọn về nơi đầu tư tiền của họ để thu được lợi nhuận ổn định. Điều này khiến họ ít sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn đối với các cổ phiếu công nghệ có tiềm năng tăng trưởng lớn.

Nhưng lãi suất cao hơn đặt ra một thách thức bổ sung cho các công ty fintech hoạt động phụ thuộc vào nguồn vốn đến từ nơi khác.

Affirm và Upstart, hai công ty fintech trong lĩnh vực mua trước trả sau của Mỹ, dựa vào các ngân hàng và nhà quản lý tiền để tài trợ cho các khoản vay mà họ giải ngân cho khách vay. Những công ty cho vay tiêu dùng phi truyền thống như Affirm và Upstart đang trả lãi cao hơn để vay tiền từ các ngân hàng. Điều này đã siết chặt biên lợi lợi nhuận của họ và thậm chí khiến một số tay chơi nhỏ hơn phá sản.

Nhiều công ty fintech cũng đã tính toán sai lầm khi họ cho rằng nhu cầu theo chu kỳ đối với dịch vụ của họ trong thời kỳ đại dịch là những sự thay đổi vĩnh viễn. Công ty chuyển tiền và thanh toán mua sắm trực tuyến PayPal (Mỹ) và Công ty thương mại điện tử và mua trước trả sau Shopify (Canada) đã đặt cược rằng khối lượng mua sắm trực tuyến tăng bùng nổ mà họ đạt được trong năm 2020 và 2021 sẽ tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, hoạt động mua sắm tại cửa hàng dần trở lại bình thường trong năm 2022. Sau khi nhận ra sai lầm, họ đã mạnh tay cắt giảm chi phí.

Trong một trường hợp đặt cược sai lầm khác, Robinhood Markets, nền tảng giao dịch chứng khoán miễn phí hoa hồng, đã thuê thêm hơn 1.000 nhân viên vào năm 2021 để theo kịp khối lượng giao dịch mà công ty dự kiến sẽ duy trì ở mức cao. Để rồi, đến năm 2022, công ty này phải sa thải phần lớn số nhân viên đó do doanh thu giảm sâu khi cơn bùng nổ đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư nhỏ lẻ lụi tàn.

Nhiều statup fintech, có giá cổ phiếu ‘bay cao’ trong đại dịch Covid-19, cũng đang thua lỗ, khiến giới đầu tư ngày càng xa lánh họ.

“Các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác với các mô hình kinh doanh tăng trưởng cao nhưng không có lợi nhuận. Vì vậy, trong vài quí qua, các công ty tăng trưởng cao chú trọng cải thiện khả năng sinh lời trong hành động và lời nói của họ”, Eugene Simuni, nhà phân tích chuyên theo dõi fintech tại Công ty nghiên cứu đầu tư MoffettNathanson, nhận định.

Simuni cho biết chỉ có một công ty fintech tăng trưởng cao mà ông theo dõi liên tục có lãi, đó là Shift4 Payments (Mỹ), chuyên xử lý các khoản thanh toán cho doanh nghiệp và người bán hàng. Cổ phiếu của công ty này chỉ giảm giá 3% trong năm ngoái.

Khánh Lan/KTSG Online

Theo WSJ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 21
Truy cập trong 7 ngày :128
Tổng lượt truy cập : 16,995