Banner Ngày 7/10/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )
 16/11/2022 Lượt xem: 116

 

Kể từ khi ra đời đến giờ, NFT (Non Fungible Token – token “không thể thay thế”) đặt ra vô số các thách thức về mặt pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

 Gần đây, vụ kiện đình đám giữa Nike và StockX ở Mỹ cũng đang thu hút sự chú ý của giới công nghệ. Vụ kiện này cho thấy NFT đang ngày càng là mãnh đất màu mở cho các vi phạm quyền nhãn hiệu.

Cụ thể, vào tháng 2-2022, Công ty Nike đã đệ đơn kiện Công ty StockX tại một tòa án ở New York (Southern District Court of New York) vì cho rằng Công ty StockX đã vi phạm quyền nhãn hiệu của Kike, khi tạo ra và rao bán các NFT mang các nhãn hiệu và kiểu dán nổi tiếng của công ty Nike.

Xin nhắc lại rằng NFT là một loại tài sản số được đăng ký trên một chuỗi khối (blockchain) với một “địa chỉ” (theo nghĩa công nghệ blockchain) gắn với bản thân NFT đó. Tài sản này được tạo ra bởi một chương trình máy tính “hợp đồng thông minh” (smart contract), thực hiện trên chính blockchain. Vì “hợp đồng thông minh” chỉ tạo ra một mã số chứng thực duy nhất, NFT vì thế khác với các loại tài sản số khác như bitcoin hay ethereum.

Một NFT gắn với một tài sản số hóa dưới các định dạng khác nhau (như ảnh, hay một tệp âm thanh...), nhưng bản thân NFT không phải là một tài sản đúng nghĩa. NFT chỉ cho phép chứng thực người sở hữu tài sản liên quan (tài sản đó có thể là một tài sản chỉ tồn tại dưới dạng số hóa, hoặc đồng thời có thể tồn tại vật chất ngoài thế giới số). Lợi thế của NFT chủ yếu nằm ở chỗ mọi giao dịch NFT đều được đăng ký trên blockchain và không thể nào giả mạo được.

Tuy không thể thay đổi hay giả mạo thông tin trên blockchain, nhưng việc tạo ra những NFT từ những tài sản “giả”, không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tài sản là hoàn toàn có thể xảy ra (như tạo NFT từ một bản sao tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải là bản gốc nhưng tại gắn mác NFT bản gốc tác phẩm).

Tuy nhiên, vụ kiện của Nike với StockX lại không ở trong trường hợp này.

Trong vụ tranh chấp này, StockX, bên bị đơn, là một công ty chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, chuyên về bán đấu giá các mặt hàng “độc” cho mục đích tiêu dùng hoặc sưu tập. Đầu năm 2020, StockX cho ra đời một bộ sưu tập giày thể thao dưới dạng NFT, với cái tên “Vault NFT”, Theo như quảng cáo, các NFT có thể đổi lấy sản phẩm giày thể thao “thực”, hoặc lưu trữ, hoặc bán lại kiếm lời. Nike vốn là một nhãn hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực giày thể thao, vì thế Công ty StockX cũng tạo ra các NFT gắn với sản phẩm mang nhãn hiệu này, tức là có hành vi sử dụng nhãn hiệu và kiểu dáng của Nike. Các NFT được mua bán, giao dịch trên sàn thương mại StockX, có khi đạt tới giá trị hơn 3.000 đô la Mỹ, trong khi đôi giày “thực” có giá trị kém khoảng ...10 lần. Cho tới khi bị khởi kiện, StockX đã bán khoảng hơn ....500 NFT có sử dụng nhãn hiệu Nike.

Một trong những điểm khá thú vị ở đây, là khi Nike khởi kiện StockX vì hành vi sử dụng nhãn hiệu không được phép, cũng như gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, thì một trong những yêu cầu của Nike trước tòa không chỉ là đền bù thiệt hại, mà có cả “thu hồi NFT liên quan để tiêu hủy”.

Trong những vụ xử lý vi phạm quyền SHTT, thì việc tiêu hủy hàng nhái, hàng giả ở đây là những NFT, thì điều này ... là hoàn toàn không thể. Tất cả các NFT được lưu trữ trên blockchain, và về mặt kỹ thuật, thì không có có thể tiêu hủy chúng được. Điều duy nhất có thể thực hiện được, đó là tòa án có thể ra lệnh chuyển các NFT “hàng giả, hàng nhái” nói trên sang chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu, để tránh việc NFT này lại tiếp tục là đối tượng giao dịch mua bán trên thị trường.

Về phía Công ty StockX, công ty này lại lặp luận rằng việc tạo ra và thương mại hóa các NFT sử dụng nhãn hiệu và kiểu dáng của Nike là hoàn toàn hợp pháp, vì mỗi NFT có thể được đổi bằng đôi giày thực tế tương ứng với nhãn hiễu và kiểu dáng mà NFT sử dụng.

StockX viện dẫn hai quy định trong luật Mỹ. Thứ nhất, theo nguyên tắc “sử dụng hợp lý” (fair use doctrine) trong luật nhãn hiệu của Mỹ, thì người bán sản phẩm có thể sử dụng nhãn hiệu để miêu tả sản phẩm mang nhãn hiệu. Thứ hai, một khi sản phẩm đã được bán một cách hợp pháp, thì người mua được quyền bán lại sản phẩm mà không hề vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu trên sản phẩm (first sale doctrine).

StockX giải thích thêm rằng NFT trong vụ tranh chấp này thực tế chỉ là một biện pháp để hỗ trợ người mua, vì người mua thay vì sưu tầm và lưu trữ sản phẩm “thực” làm mất chi phí vận chuyển hay địa điểm để lưu trữ, thì có thể chọn cách đơn giản hơn là lưu giữ một NFT tương ứng với sản phẩm đó.

NFT, vì thế theo bên bị đơn, cũng không khác gì một hình ảnh quảng cáo sản phẩm mà ta vẫn thường thấy trên các sàn giao dịch điện tử.

Hiện nay, tòa án thụ lý đơn kiện của Nike chưa đưa ra quyết định đối với vụ tranh chấp này. Tuy lập luận của StockX có phần khá thuyết phục nhưng khả năng Nike thắng kiện cũng khá cao, vì thực tế cho thấy giá trị bán của NFT cao gấp nhiều lần giá trị sản phẩm giày thực tế của Nike, nên không thể đánh đồng NFT vối sản phẩm giày. Đồng thời, không khó để nhận thấy rằng nhãn hiệu của Nike đã được sử dụng để thúc đẩy việc bán NFT của StockX. Đây là một hành vi lợi dụng tên tuổi, ăn theo nhãn hiệu nổi tiếng, một hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên, ở góc độ luật về nhãn hiệu, NFT không là sản phẩm trùng hay tương tự với “giày thể thao”, vì thế khó có thể xử phạt StockX trên cơ sở luật về nhãn hiệu, nếu như không chứng minh được hành vi sử dụng nhãn hiệu đó có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa ở người tiêu dùng.

Hiện nay, điều chúng ta có thể dự đoán là các NFT gắn với sản phẩm thực sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn, vì thế, luật về nhãn hiệu cũng cần được sửa đổi để có thể bắt kịp với những thay đổi trong công nghệ./.

 

Thiên Hương/KTSG

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 22
Truy cập trong 7 ngày :122
Tổng lượt truy cập : 15,434