Banner Ngày 3/5/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Đại diện của gần 200 quốc gia đã đồng ý về một thỏa thuận khí hậu mới ở Dubai vào thứ Tư (13/12) sau hai tuần đàm phán căng thẳng tại hội nghị COP28. Theo đó, thỏa thuận đưa ra lời kêu gọi chưa từng có để nhân loại có thể bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

"Thỏa thuận lịch sử"

Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber gọi thỏa thuận này là “lịch sử” trong bài phát biểu của ông trước các đại biểu quốc gia tại phiên họp cuối cùng để thông qua thỏa thuận.

Ông nói: “Lần đầu tiên chúng ta có ngôn ngữ về nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng của mình”, đồng thời cho biết thêm rằng thỏa thuận này có khả năng “định hình lại nền kinh tế của chúng ta”.

 COP28-DUBAI2023

 Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed Al Jaber (giữa) vỗ tay trong phiên họp toàn thể Hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc 2023 (COP28) tại Dubai, UAE vào ngày 13 tháng 12 năm 2023. Ảnh: AFP

 

Một số quốc gia tuyên bố thỏa thuận này báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, nhưng các quốc gia tham vọng hơn và những người ủng hộ khí hậu cho rằng thỏa thuận này vẫn chưa đủ để phản ánh mức độ cấp bách ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Jean Su, giám đốc công lý năng lượng tại Trung tâm Đa dạng sinh học cho biết: “Cuối cùng thì những lời gào thét nhằm chấm dứt nhiên liệu hóa thạch đã được viết ra trên giấy trắng đen tại COP lần này”.

Thỏa thuận này không yêu cầu thế giới “loại bỏ dần” dầu, than và khí đốt. Thay vào đó, thỏa thuận “kêu gọi” các quốc gia “đóng góp” vào nỗ lực toàn cầu nhằm giảm ô nhiễm carbon theo những cách mà họ thấy phù hợp, đưa ra một số lựa chọn, một trong số đó là “đẩy nhanh chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng… trong thập kỷ quan trọng này, để đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

COP28 đã diễn ra trong những ngày cuối của một năm mà sức nóng toàn cầu chưa từng có, gây ra thời tiết cực đoan, bao gồm cháy rừng kỷ lục, sóng nhiệt và lũ lụt thảm khốc. Năm nay đã chính thức là năm nóng kỷ lục, do sự kết hợp giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra và hiện tượng El Nino, và năm tới dự kiến sẽ còn nóng hơn nữa.

Hội nghị đã chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia về vấn đề loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cho biết sự chia rẽ suýt nữa đã làm hội nghị bị trật bánh khi các quốc gia sản xuất dầu muốn loại bỏ vấn đề về nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận.

Các nước dễ bị tổn thương cần hỗ trợ

COP28 khởi đầu với những thành công sớm về tài chính. Vào ngày đầu tiên, các quốc gia đã chính thức thông qua quỹ “Tổn thất và thiệt hại”, sau đó sớm quyên góp được hơn 700 triệu USD để giúp đỡ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, thỏa thuận COP28 thừa nhận các nước đang phát triển cần tới 387 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với tác động của khủng hoảng khí hậu và cần khoảng 4,3 nghìn tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030 để mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Dẫu vậy, nó lại không bao gồm các yêu cầu đối với các nước phát triển phải đóng góp nhiều hơn.

Harjeet Singh, người đứng đầu chiến lược chính trị toàn cầu tại tổ chức phi lợi nhuận Climate Action Network International, cho biết rằng các nước đang phát triển “vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để lấy năng lượng, thu nhập và việc làm, không có sự đảm bảo chắc chắn về hỗ trợ tài chính đầy đủ”.

Mohamed Adow, giám đốc của Power Shift Africa, cho biết trong một tuyên bố rằng: “Chúng ta vẫn chưa có đủ tài chính để giúp các nước đang phát triển giảm lượng khí thải carbon và cần kỳ vọng nhiều hơn vào việc các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch giàu có phải loại bỏ dần trước tiên”.

Hoàng Hải/CLO (theo COP28, Reuters, CNN)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 22
Truy cập trong 7 ngày :105
Tổng lượt truy cập : 12,809