Banner Ngày 5/11/2024
Thông báo kết quả Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII năm 2024 ( 16/07/2024 )

Ngày 11-4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022.

Đây là kết quả của VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố.

PCI 2022

Lễ công bố PCI của VCCI.

Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp trong top đầu

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, hoạt động này nhằm thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam; thúc đẩy cải cách vì doanh nghiệp, cải thiện năng lực cạnh tranh ở mỗi địa phương. Báo cáo PCI năm nay được công bố trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập VCCI (1963-2023) và cũng là dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (2013-2023).

Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo đánh giá chung, các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt đứng trong tốp đầu các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế cao nhất trong bảng xếp hạng PCI 2022.

Hà Nội đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng (năm ngoái đứng thứ 10), với 66,74 điểm và có một số chỉ số được xếp hạng khá cao như: Chi phí thời gian (thứ 15), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (thứ 9) và đào tạo lao động (thứ 3).

Ban tổ chức cho biết, điều tra PCI 2022 thấy được nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục cuộc đua nhằm tạo ra sự thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí không chính thức của chính quyền các địa phương Việt Nam.

Đáng lưu ý, những ảnh hưởng bất lợi do dịch bệnh cũng như các nguyên nhân khác được phản ánh rõ khi mức độ lạc quan của doanh nghiệp vẫn thấp, cảm nhận về cải cách trên nhiều lĩnh vực có phần chững lại. Cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, nhân lực, hạ tầng cho đến chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền cấp cơ sở.

Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến đáng kể, cho thấy công cuộc đổi mới, vì doanh nghiệp tiếp tục lan tỏa rộng khắp và nhận được sự ghi nhận của xã hội. Có 93% ý kiến đánh giá “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”, 91% đánh giá thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn so với quy định. Tỷ lệ doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật giảm từ mức 26% của năm 2021 về 20% trong năm 2022. Có 89% doanh nghiệp đồng ý rằng, “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 87% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ thân thiện”. Gánh nặng thanh, kiểm tra tiếp tục xu hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp phải đón tiếp từ 3 đoàn thanh tra trở lên trong năm qua là 7,39%. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra trong năm 2022 là 6,69%, giảm từ mức 13,46% của năm 2017.

Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh đứng đầu Chỉ số xanh (PGI)

Trong sự kiện này, lần đầu tiên, VCCI và USAID giới thiệu, công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Kết quả năm đầu tiên cho thấy, 3 tỉnh đứng đầu Chỉ số PGI là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh.

“Gần 20 năm qua, Chỉ số PCI của VCCI đã và đang góp phần thúc đẩy các đối thoại, thảo luận và hành động hiệu quả về những vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh. Chỉ số xanh cấp tỉnh mới được xây dựng là dấu hiệu cho thấy khu vực tư nhân ngày càng nhận thức rõ rằng các vấn đề môi trường cũng quan trọng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế”, Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam Aler Grubbs nhấn mạnh.

Doanh nghiệp vẫn ngại "thuế, phí, giải phóng mặt bằng"

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, thực tế cho thấy, PCI đã và đang là thước đo về năng lực điều hành, phục vụ doanh nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố, cũng là căn cứ để so sánh hiệu quả trong hoạt động điều hành, thực hiện cải cách trên diện rộng. Qua đó, đã hình thành phong trào cải cách, thi đua nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên cả nước. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng nhận xét, việc tiến hành cải cách ngày càng căng thẳng hơn vì sự cạnh tranh giữa các địa phương cũng như dư địa ngày càng hạn hẹp, mức độ khó trong thực hiện cải cách ngày càng tăng bên cạnh không ít thách thức, bất lợi do nguyên nhân khách quan. Nhưng tiếp tục tập trung cải thiện chỉ số PCI vẫn sẽ là yêu cầu quan trọng cấp thiết, hàng đầu của mỗi địa phương.

Vẫn còn những bất cập, tồn tại trong cách hành xử, hỗ trợ doanh nghiệp. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%).

Trong các thủ tục hành chính thuế, nhóm doanh nghiệp báo cáo gặp vướng mắc với khâu quyết toán thuế - chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 49%; tiếp sau là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%). Tính trung bình, thời gian mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm 2022 là 9 giờ, tăng so với kết quả năm 2021 và 2020 (lần lượt là 5 giờ và 8 giờ). Đáng chú ý hơn, 53,8% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”, tăng so với mức 47,6% của năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế cũng gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,5% của năm 2022.

Một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại gia tăng đáng kể, từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022. Hiện tượng này cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguyên nhân để có giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: "Từ cuối năm 2022 đến nay, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chúng tôi hy vọng chính quyền các tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, lấy sự ổn định và thuận lợi của môi trường kinh doanh bù đắp cho những bất ổn của thị trường thế giới".

PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phi thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

HỒNG SƠN/HNMO

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 45
Truy cập trong 7 ngày :158
Tổng lượt truy cập : 15,870