23/09/2024 Lượt xem: 206
Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945) thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Ngày Nam Bộ kháng chiến đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên chặng đường mới, viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh giúp đỡ thực dân Pháp dùng vũ lực chiếm đóng Nam Bộ tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 24/9/1945. Ảnh tư liệu lịch sử.
Hào hùng Ngày Nam Bộ kháng chiến
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Người khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[1].
Ngày 23/9/1945, được quân Anh giúp đỡ và sự yểm trợ của quân Nhật, 6000 quân Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương. Như vậy là chỉ 21 ngày giành được độc lập, Nhân dân ta phải cầm súng đứng lên chiến đấu để bảo vệ nền độc lập.
Ngay trong sáng 23/9/1945, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ đã cấp tốc họp, chủ trương kiên quyết kháng chiến và thành lập ra Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu đã phát lời kêu gọi: Độc lập hay là chết! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược.
Đến chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Khắp phố phường vật chướng ngại mọc lên. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Trong thành phố, đã tổ chức 360 tổ xung phong công đoàn, với gần 6.000 đội viên và 500 tự vệ bám trụ các vị trí chiến đấu. Thực dân Pháp đã bị lâm vào tình trạng khốn đốn: Không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực - thực phẩm, thiếu quân và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao, tiêu diệt.
Ngày 26/9/1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước rằng: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm… Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và Nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta. Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”[2]. Ngay ngày hôm đó, Đảng và Chính phủ đã thành lập các Đoàn quân Nam tiến, Quỹ Nam Bộ kháng chiến, cử các tướng lĩnh cấp tốc vào miền Nam như tướng Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn...
Ngày 26/9/1945, tại ga Hàng Cỏ, đoàn quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội vào chi viện cho miền Nam, mở đầu cho phong trào Nam tiến, cả nước sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ đánh giặc cứu nước với những biểu ngữ, khẩu hiệu “Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”, “Việt Nam độc lập”, “Đả đảo thực dân Pháp”, “Nam Bộ là đất của Việt Nam”. Đoàn gồm 3 đại đội: Bắc Sơn, Bắc Kạn và Hà Nội. Đến nhiều ga có các đơn vị Nam tiến của địa phương đón sẵn, lên tàu nhập vào chi đội thẳng tiến về Nam, như: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng…
Ngày 29/9/1945, báo Cứu Quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra số đặc biệt, viết: Ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, hàng vạn người xung phong đầu quân vào Nam giết giặc. Hầu hết các tỉnh đều lập “Phòng Nam Bộ” ghi tên các chiến sĩ tình nguyện… Ngay từ tuần lễ đầu, nhiều chi đội lên tàu vào Nam, gồm các đơn vị Giải phóng quân từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Chiến khu Đông Triều, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Nghệ Tĩnh. Hầu như ngày nào, trên các chuyến tàu vào Nam cũng đều có quân Nam tiến… Thành phần vào Nam chiến đấu bao gồm tất cả các tầng lớp Nhân dân, không phân biệt lứa tuổi, có cả thanh niên, sinh viên, học sinh, nhà giáo, nhà văn, công chức, thậm chí có cả các nhà sư, Việt kiều mới về nước. Hải Dương, Quảng Ninh có các cụ thành lập thành một trung đội cũng đăng ký lên đường vào Nam chiến đấu.
Ngày 30/9/1945, thực dân Pháp trong thế túng quẫn phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước.
Tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng quân và dân Nam Bộ bốn chữ “Thành đồng Tổ quốc”. Người nhận định: “Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”[3]. Người khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”[4]. NGUYỄN VĂN TOÀN [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 587 [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4,Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 47- 48 [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 151 [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 89
Cần Thơ tính phương án đưa đón cán bộ từ Hậu Giang, Sóc Trăng sau sáp nhập ( 21/04/2025 )
![]()
Cần Thơ - TP Cần Thơ xây dựng phương án đưa, rước cán bộ, công chức, viên chức của 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng đến làm việc tại TP Cần Thơ....
Người đứng đầu cơ quan cấp tỉnh có thể được tăng cường làm lãnh đạo cấp xã ( 18/04/2025 )
![]()
Chính phủ định hướng người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có thể được tăng cường làm lãnh đạo cấp xã theo yêu cầu nhiệm vụ và được bảo lưu phụ cấp chức vụ....
Chuyển 100% biên chế cấp huyện để bố trí ở cấp xã, có thể tăng cường cán bộ cấp tỉnh về xã ( 17/04/2025 )
![]()
(Chinhphu.vn) - Chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới; có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã....
Sắp xếp tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trước 15.7 ( 16/04/2025 )
![]()
Về tổ chức MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, T.Ư đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp T.Ư, cấp tỉnh và cấp xã...
|
Truy cập hôm nay : 31
Truy cập trong 7 ngày :163
Tổng lượt truy cập : 18,932
|