06/08/2024 Lượt xem: 78
Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát diễn biến Cách mạng Tháng Tám: “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà”[1].
Phát xít Nhật vào Đông Dương tháng 9/1940. Ảnh: tư liệu lịch sử. Âm mưu của phát xít Nhật khi vào nước ta
Khi vào Đông Dương (1940), phát xít Nhật đã cấu kết với thực dân Pháp để đàn áp, khủng bố và bóc lột nhân dân ta. Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật”[2].
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) đã diễn ra trò hề “trao trả độc lập” cho Việt Nam. Tuy nhiên, trong một cuộc họp với công chức người Việt ở Long Xuyên vào ngày 30/3/1945, tên Toàn quyền Nhật Bản Minoda đã nói thẳng: “Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản”[3]. Thực tế chứng minh, chính phủ Trần Trọng Kim lập ra vào tháng 4/1945 chỉ là bù nhìn và người dân Việt Nam đã nhận ra ngay nền độc lập giả hiệu của cái gọi là “Đế quốc Việt Nam” do người Nhật dựng nên. Bởi chính phủ Trần Trọng Kim hoàn toàn không có quốc hội, không có hiến pháp, không có Bộ Quốc phòng, không có quân đội, không có Bộ Công an, việc giữ an ninh quốc gia, tuyên truyền do quân Nhật nắm giữ. Tuy nhiên, chính phủ Trần Trọng Kim vẫn tỏ ra đắc lực trong việc làm tay sai cho Nhật và đàn áp nhân dân.
Bằng chứng là từ 9/3/1945 đến giữa tháng 6/1945, việc thu thóc tạ vẫn được thi hành trong lúc hàng chục vạn đồng bào ta chết rũ dọc đường xó chợ. Chính phủ Trần Trọng Kim cam đoan với Nhật là tiếp tế cho Nhật bằng hoặc hơn Pháp. Cả chính phủ Trần Trọng Kim và Nhật đều bắt buộc mọi sự vận chuyển thóc gạo từ Nam ra Bắc đều phải qua “Ủy ban thóc gạo” ở Sài Gòn mà ủy ban này do công ty Nhật nắm. Khi tải ra đến Bắc thì phải gom gạo cho công ty thóc gạo Bắc kỳ 75% số lượng, công ty này lo bảo đảm trước hết lương thực cho quân Nhật, còn lại mới bán cho dân. Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hậu quả của những việc làm này: “Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”[4]. Không những vậy, Đạo dụ của chính phủ Trần Trọng Kim ngày 13/6/1945 còn quy định: ai phạm việc phá hoại cầu cống, đường sá, cướp phá hoặc làm hư hại kho ngũ cốc, đồ ăn, gạo, đều bị kết án tử hình. Đạo dụ cũng cấm chỉ mọi cuộc tụ tập trên 10 người. Vì đạo dụ này, nhân dân ta không dám kéo đi phá kho thóc để chia cho người đói, hàng chục vạn người đã chết đói ngay bên ngoài cửa những kho thóc còn đầy ắp. Bên cạnh đó, chỉ riêng trong gần 5 tháng tồn tại (17/4 đến 23/8/1945), Chính phủ Trần Trọng Kim đã nộp cho Nhật Bản khoản tiền 720 triệu đồng Đông Dương, ngang với số tiền 726 triệu do chính quyền thực dân Pháp nộp cho Nhật Bản trong 5 năm trước đó (từ 1940 tới 9/3/1945).
Mít-ting tại Nhà Hát Lớn Hà Nội để giành chính quyền ngày 19/8/1945.
Trần Trọng Kim sau này mới nhận ra: “Nhật Bản trước vốn là một nước đồng văn đồng hóa ở Á Đông, nhưng về sau đã theo Âu hóa, dùng những phương pháp quỷ quyệt để mở rộng chủ nghĩa đế quốc của họ, trước đã thôn tính Cao Ly và Mãn Châu, sau lại muốn xâm lược nước Tàu và các nước khác ở Á Đông đã bị người Âu châu chiếm giữ. Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu “đồng minh cộng nhục” và lấy danh nghĩa “giải phóng các dân tộc bị hà hiếp” nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình”[5].
Sức mạnh của quần chúng cách mạng áp đảo sức mạnh quân đội phát xít Nhật
Khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã đề ra một Cao trào kháng Nhật cứu nước để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Chỉ thị cũng nêu rõ nơi nào thấy so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thì tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện[6].
Ngay sau khi nước Nhật đầu hàng Đồng minh vào ngày 15/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào trong hai ngày 16 và ngày 17/8/1945 đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng. Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa (18/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[7]. Thực hiện lời kêu gọi của Người, cả dân tộc nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, chỉ trong chưa đầy nửa tháng các địa phương trong cả nước đã giành thắng lợi.
Như vậy, chiến thắng của phe Đồng minh trước phe phát xít đã tạo thời cơ để Việt Nam giành độc lập. Tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị từ trước thì mới có đủ lực lượng để đón nhận thời cơ này. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tính toán một cách kỹ lưỡng và chu toàn ngay sau khi Người về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phải giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương nếu không tình hình sẽ hết sức hỗn loại, hết sức phức tạp. Đúng như Nghị quyết Quốc dân Đại hội (16/8/1945) đã nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nếu hoàn toàn độc lập”[8].
Nhiều quan điểm cho rằng, quân phát xít Nhật không kháng cự nên Việt Minh mới dễ dàng giành được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám. Tuy nhiên, lực lượng Nhật tại Việt Nam lúc này ở Việt Nam có đến 90.000 người và được trang bị đầy đủ khí giới, chúng cũng đã chứng tỏ sự thiện chiến khi đã đánh bại quân Pháp trên toàn cõi Đông Dương chỉ trong một ngày (9/3/1945). Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, quân Nhật ở Đông Dương nhận nhiệm vụ duy trì trật tự trước khi bị giải giáp.
Bởi vậy, cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước trong Cách mạng Tháng Tám đã vấp phải sự kháng cự của Nhật. Chẳng hạn, ngày 20/8/1945, một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy bao vây, tấn công vào các vị trí do quân Nhật chiếm giữ ở thị xã Thái Nguyên. Trước sức mạnh của cao trào cách mạng của quân và dân Thái Nguyên, quân Nhật buộc phải chấp nhận các điều kiện do Bộ Chỉ huy Quân giải phóng đưa ra, để sáng ngày 26/8/1945 được rút về Hà Nội.
Ở Tuyên Quang, ngày 17/8/1945, Việt Nam Giải phóng quân tiến công doanh trại quân Nhật. Lực lượng quân Nhật gồm hơn một tiểu đoàn, có súng cối và cả sơn pháo. Việt Nam Giải phóng quân đã dùng dao, súng, mã tấu xung phong đánh quân Nhật. Bên ngoài, nhân dân xuống đường đông nghịt, biểu tình thị uy, trợ lực cho cuộc tiến công. Trước sức tiến công mãnh liệt của Việt Nam Giải phóng quân và sức uy hiếp mạnh mẽ của nhân dân khởi nghĩa, quân Nhật phải xin đàm phán nhưng khi được tin có một cánh quân của chúng đang từ Hà Giang kéo về gần tới nơi, quân Nhật lại trở mặt. Các chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân và tự vệ công nhân lập tức tiếp tục cuộc tiến công, mở nhiều đợt xung phong mãnh liệt. Đến ngày 21/8/1945, quân Nhật rút hết về Hà Nội.
Tại Hà Nội có đến 10.000 lính Nhật đồn trú. Trong đó, Trại Bảo an binh trên phố Hàng Bài ở Hà Nội là nơi hàng nghìn lính Bảo an Nhật đồn trú. Quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã kéo vào đánh chiếm Trại Bảo an binh vào ngày 19/8/1945. Toàn bộ sĩ quan, lính Bảo an đều không dám chống đối, giao nộp toàn bộ vũ khí. Nhưng nhận được tin, Bộ chỉ huy quân đội Nhật đã cho xe tăng và hàng trăm lính đến bao vây, yêu cầu ta nộp vũ khí, giải tán, giao trại cho Nhật. Căn cứ vào chủ trương của Ủy ban Quân sự cách mạng đối với quân Nhật, ta đã mềm dẻo thuyết phục quân Nhật, nói cho chúng rõ Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng minh, nếu chúng không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa của ta thì ta cũng để cho chúng yên ổn chờ ngày về nước. Ngược lại, nếu chúng bắn vào quần chúng cách mạng thì ta sẵn sàng dùng vũ lực chống lại. Xe tăng và quân Nhật sau đó phải rút lui. Sau cuộc thương thảo đó, Nhật phải công nhận Việt Minh là đại diện của Việt Nam. Sau đó, việc này được xác nhận bởi bức điện văn của Đại sứ Nhật gửi về Tokyo: “Chiều ngày 19, Đại sứ đã “được mời” đến dự cuộc gặp với các lãnh đạo Etsumei (Việt Minh) và đã tham gia bàn bạc với những người đó, được coi như là các nhà chức trách chính thức”[9].
Do đó, ở Sài Gòn, vào ngày 22/8/1945, Bộ chỉ huy quân đội Nhật chỉ thị cho Thống chế Terauchi tuyên bố quân Nhật không can thiệp nếu Việt Minh giành chính quyền.
Tại Huế, sau khi đảo chính Pháp, Nhật có đến 4.500 quân thiện chiến, vũ khí hậu cần đầy đủ do tên tướng Yokoyama Masayuki chỉ huy sẵn sàng đáp áp cách mạng. Bởi Tướng tư lệnh Nhật đã nhận được chỉ thị của Tokyo phải giữ ngôi cho Bảo Đại, đã bàn với Bảo Đại và Trần Trọng Kim như sau: “Mặc dù nước Nhật đã đầu hàng nhưng quân đội Nhật tại đây vẫn có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự cho tới khi quân đội Đồng minh đến tiếp thu. Xin ngài hãy làm văn thư yêu cầu để chúng tôi tái lập trật tự”[10]. Nhưng trước sức mạnh của quần chúng, Bảo Đại chấp nhận thoái vị, giải tán nội các Trần Trọng Kim.
Ngày 2/9/1945, nghi lễ đầu hàng của quân phát xít Nhật trước quân Đồng minh được thực hiện trên chiến hạm USS Missouri (BB-63) của Hải quân Mỹ. Đến lúc đó, Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) kết thúc.
Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát diễn biến Cách mạng Tháng Tám: “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà”[11].
Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn vững chắc cho nền độc lập của nước ta. Lời tuyên bố “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” của Tuyên ngôn Độc lập đã cổ vũ tinh thần dân tộc Việt Nam đến muôn đời sau. Nguyễn Văn Toàn [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 557. [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 557. [3] Ngô Văn Quỹ, “Đêm dài Nhật – Pháp bắn nhau”, Nxb. Trẻ, 2001, tr. 88-89. [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 557. [5] Phạm Hồng Tung, “Nội các Trần Trọng Kim, bản chất, vai trò và vị trí lịch sử”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 191-193. [6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 367 [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 596. [8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 526 [9] Dẫn lại theo Lê Trọng Nghĩa, “Các Ủy ban nhân dân cách mạng ra mắt ở Hà Nội sau Khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám”, in trong: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, “19-8: Cách mạng là sáng tạo”, 1995, tr. 94 [10] Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nxb. Vĩnh Sơn, Sài Gòn, 1969, tr. 93-94. [11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 557.
Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2024) ( 23/09/2024 )
Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945) thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Ngày Nam Bộ kháng chiến đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên chặng đường mới, viết t...
Tuyên truyền kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2024) và 55 năm Ngày mất của Người (02/9/1969 – 02/9/2024) ( 29/08/2024 )
Ngày 27/8/2024, Công đoàn Viên chức tỉnh Sóc Trăng ban hành Công văn số 36/CĐVC về việc tuyên truyền kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2024) và 55 năm Ngày mất của Người (02/9/1969 – 02/9/2024)....
Vai trò của đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long ( 23/07/2024 )
Ngày 18/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “PII - định vị đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ và hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”....
Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa ( 31/05/2024 )
Ngày 28/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực từ ngày 01/6/2024....
|
Truy cập hôm nay : 45
Truy cập trong 7 ngày :158
Tổng lượt truy cập : 15,870
|