Banner Ngày 23/4/2024
Hiến máu tình nguyện – vì sự sống của chúng ta ( 11/04/2024 )
 16/11/2022 Lượt xem: 139

Chiều ngày 12/10, UBND thành phố Sóc Trăng phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng, Học viện Chính trị khu vực IV tổ chức Lễ tiếp nhận bản ghi thông tin về thân thế và những đóng góp của Bác sĩ nông học Lương Định Của, tại Công viên 30/4, thành phố Sóc Trăng. Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; ông Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, thành phố tham dự.

 

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bìa phải) cùng các đại biểu thực hiện nghi thức tiếp nhận bản ghi thông tin về thân thế và những đóng góp của Bác sĩ nông học Lương Định Của. Ảnh: XUÂN NGUYÊN (Nguồn: Báo Sóc Trăng)

 

Bác sĩ Nông học Lương Định Của là một người con ưu tú của làng Đại Ngãi, quận Kế Sách (nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú). Tên tuổi của ông gắn liền với những thành tựu to lớn trên lĩnh vực nông nghiệp nước nhà.

 

Lúc nhỏ, Lương Định Của học ở Trường Tiểu học Lasan Taberd ở tỉnh lỵ Sóc Trăng, rồi chuyển lên Sài Gòn học xong tú tài. Sau đó ông sang Trung Quốc, rồi tiếp đến là Nhật Bản để học đại học ngành nông nghiệp tại Khoa Sinh vật thực nghiệm Trường Đại học Kyushu.

 

Năm 1951, Lương Định Của bảo vệ xuất sắc luận án di truyền học với đề tài “Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới”. Hội đồng khoa học Trường Đại học Tổng hợp Kyoto nhận xét Lương Định Của đã có cống hiến lớn cho ngành nông học trong việc cải thiện giống lúa và nhất trí cấp học vị Bác sĩ Nông học - học vị cao nhất ở Nhật Bản lúc bấy giờ; ông là người trẻ nhất và cũng là người nước ngoài duy nhất được cấp học vị này tại Nhật Bản. Ngoài ra, ông còn nhận được bằng khen của Viện Nghiên cứu sinh học Kihata về công trình “Sự sinh sản của giống lúa lai tạo từ hai giống lúa Japonica và Indica”. Phát minh của Lương Định Của đã được ứng dụng ngay lúc đó trong việc lai tạo giống lúa tại Hoa Kỳ.

 

Năm 1952, Lương Định Của cùng vợ và con trở về Việt Nam làm việc ở Viện Khảo cứu Bộ Canh nông (Sài gòn). Năm 1954, ông cùng gia đình tập kết ra Bắc. Từ năm 1956 – 1975, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

 

Năm 1967, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; được truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1975 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 1996.

 

Bác sĩ Nông học Lương Định Của là người có công lớn trong giáo dục đào tạo nhiều thế hệ học trò trở thành cán bộ đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Chính ông đã lai tạo thành công một số giống lúa cho năng suất cao và chất lượng tốt, như: giống Nông nghiệp 1 được lai tạo từ giống Ba Thắc của Nam bộ với Bunko (Nhật Bản). Sau đó là nhiều giống mới như: giống lúa mùa muộn Saisubao, giống lúa Chiêm 314, giống NN75-1, dòng NN8-388 (chọn giống từ IR8) và một số cây giống khác như: dưa hấu không hạt, dưa lê, khoai lang, rau muống, đu đủ… Cùng với những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, Bác sĩ Nông học Lương Định Của đã đề xướng mô hình canh tác “bờ vùng, bờ thửa”, “cấy nông tay thẳng hàng”, “đảm bảo mật độ” được hàng triệu nông dân áp dụng thành công trên diện rộng, tạo ra một cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Cuộc đời của Bác sĩ nông học Lương Định Của gắn liền với con đường phát triển lúa gạo Việt Nam.

 

Để ghi nhớ công ơn của ông, Tỉnh ủy - HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng đã quyết định đặt tên một con đường tại TP. Sóc Trăng, một trường THPT tại huyện Long Phú, đưa vào sử dụng Nhà lưu niệm và khánh thành Tượng đài Bác sĩ Nông học Lương Định Của tại Công viên 30-4. Đây là công trình nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của ông đối với sự phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.

 

Bản ghi thông tin thân thế và sự nghiệp được đặt dưới chân tượng đài Bác sĩ nông học Lương Định Của, tại quảng trường Công viên 30/4. Theo bà Dương Thị Ngọc Diễm -Phó Chủ tịch UBND thành phố Sóc Trăng, sau khi tiếp nhận bản ghi nhận thông tin, UBND thành phố sẽ làm tốt công tác quản lý, sử dụng, giữ gìn và phát huy giá trị công trình một cách hiệu quả, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ noi theo trong việc học tập, nghiên cứu khoa học để đóng góp cho quê hương, đất nước.

 

LHHST

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 24
Truy cập trong 7 ngày :141
Tổng lượt truy cập : 12,683