Banner Ngày 26/4/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Sóc Trăng hiện đang tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

 Kỳ 1: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chuyển đổi số

 Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng đã và đang huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác chuyển đổi số.

 Chuyển đổi số là bước đi tất yếu của Sóc Trăng

Thời gian qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì hoạt động chuyển đối số của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: công nghệ số chưa được ứng dụng sâu, rộng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp tỉnh còn rất hạn chế; nhiều quy trình nghiệp vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị chưa có các nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; chuyển đổi số của người dân còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc. Việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh còn thấp. Tình hình an toàn, an ninh mạng tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro… Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sản xuất và đời sống của doanh nghiệp, người dân phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 Đoàn công tác khảo sát mô hình chuyển đổi số tại Công an thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: C.B

Quan điểm của tỉnh về chuyển đổi số là bước đi tất yếu nhằm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động của hệ thống chính trị; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức, lối sống, làm việc của nhân dân là động lực để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số an toàn, văn minh, rộng khắp và bao trùm; đặt người dân là trung tâm, thể chế và công nghệ là động lực, an toàn thông tin mạng là then chốt và xuyên suốt.

Chuyển đổi số cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; sự đồng hành của doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và thực thi công vụ trong cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Mục tiêu phấn đấu chuyển đổi số của tỉnh được đề ra cụ thể cho từng giai đoạn (đến năm 2025 và đến năm 2030) để thực hiện tốt các nội dung như: đến năm 2025, ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh phương thức hoạt động, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản trị, điều hành của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; phát triển mạnh công nghệ số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) đối với cấp tỉnh; 90% đối với cấp huyện; 70% đối với cấp xã. Hoàn thành việc xây dựng tất cả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu cấp huyện, cấp xã đưa vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và các hệ thống thông tin của cơ quan. Phấn đấu kinh tế số chiếm 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%. Hạ tầng cáp quang đến hộ gia đình đạt 100%; 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.

Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số

Với mục tiêu trên, các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp chủ yếu tập trung vào các nội dung như: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hoàn thiện cơ chế chính sách gắn với phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng, nền tảng số và phát triển dữ liệu số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng…

Tập trung ưu tiên chuyển đổi số ở 5 lĩnh vực gồm: nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội.

 Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn (thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn công tác khảo sát mô hình hệ thống loa truyền thanh thông minh tại xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: C.B

 Phát biểu tại hội nghị về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng vào tháng 12/2021, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đã khẳng định, chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đi cùng thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số, để chúng ta bứt phá, vượt lên. Chuyển đổi số là cơ hội vô giá đối với nước ta, cũng là cơ hội cuối cùng của nước ta trong vòng một vài thập kỷ tới. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định: chuyển đổi số là bước phát triển khách quan, nghĩa là chúng ta muốn phát triển không bị bỏ lại phía sau, thì phải thực hiện nó, không có con đường nào khác. Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn diễn ra và đang diễn ra.

 Để kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, đưa kinh tế số của Việt Nam nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng phát triển nhanh, đạt mục tiêu mà Đảng, Chính phủ đề ra và để Nghị quyết Chuyển đổi số của tỉnh đi vào cuộc sống, chúng ta cần thống nhất một số quan điểm: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số. Lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số. Thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng…

 Qua 6 tháng đầu năm 2022, tình hình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả tích cực. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về chuyển đổi số, tổ chức các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số ở một số tỉnh; hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh với 7 hệ thống thông tin thành phần đã được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3; an toàn thông tin được Bộ Công an đánh giá là một trong những tỉnh đảm bảo các yêu cầu cơ bản về an toàn thông tin, đủ điều kiện để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, việc xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số và Trung tâm Giám sát điều hành của tỉnh cũng được quan tâm, triển khai bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận…

 

CHÍ BẢO - QUỐC KHA (Nguồn: Báo Sóc Trăng)

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 21
Truy cập trong 7 ngày :133
Tổng lượt truy cập : 12,712