Banner Ngày 25/6/2024
Thông báo lịch tổ chức Vòng Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII, năm 2024 ( 28/05/2024 )

Sáng ngày 29/5/2024, tại nhà văn hóa xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, UBND huyện Mỹ Xuyên tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp phòng bệnh hiệu quả trong mô hình tôm - lúa”.

 

Dự Hội thảo có ông Đào Đắc Hùng -  Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên; Gs.Ts Đặng Thị Hoàng Oanh – Trường Thủy sản thuộc Đại học Cần Thơ; ThS. Nguyễn Công Thành – Giám đốc Trung tâm Tập huấn và CNCN nông nghiệp vùng ĐBSCL; Th.S Ngô Minh Lý - Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu; tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND huyện; đại diện các công ty, doanh nghiệp đang liên kết sản xuất tại vùng tôm lúa huyện Mỹ Xuyên; cùng hơn 100 nông dân nuôi tôm của huyện Mỹ Xuyên và phóng viên báo, đài đến dự và đưa tin.

Phong benh tom lua

Quan cảnh Hội thảo

 

Tại buổi Hội thảo, đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo tóm tắt tình hình nuôi thủy sản 5 tháng đầu năm trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên. Toàn huyện thả nuôi thủy sản được 9.027,2 ha, đạt 45,1% so kế hoạch (20.000 ha). Trong đó, diện tích thả tôm nước lợ 8.635,2 ha; diện tích thả nuôi cá và thuỷ sản khác 392 ha; diện tích thả giống thuỷ sản giảm 2.163 ha (tương đương 20%) so cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân diện tích thả nuôi tôm giảm do thời tiết nắng nóng kéo dài, giá tôm nguyên liệu ở mức thấp trong khi giá con giống, vật tư đầu vào còn ở mức cao, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là xuất hiện thêm bệnh mới trên tôm thẻ chân trắng.

 

Hội thảo chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình tôm – lúa” nhằm tiếp hướng đi mới cho mô hình tôm – lúa ngày càng phát triển hơn nữa. Tại buổi hội thảo, bà con nông dân đã đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc phát triển mô hình tôm – lúa như: giải pháp giảm chi phí sản xuất trong nuôi tôm, trồng lúa; giải pháp giảm rủi ro dịch bệnh; việc đa dạng hóa đối tượng cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, phù hợp với vùng tôm lúa Mỹ Xuyên; nhờ giới thiệu các giống lúa chịu mặn; một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi vùng tôm lúa và giải pháp phòng, trị.

 

Các câu hỏi của bà con nông dân được các diễn giả trả lời một cách thỏa đáng. Bà con nông dân đánh giá rất cao chất lượng cuộc hội thảo và mong các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức nhiều cuộc hội thảo hơn nữa để được giải đáp những khó khăn gặp phải trong quá trình nuôi tôm, trồng lúa cũng như cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật mới.

 

Các diễn giả tham dự Hội thảo cũng đã trình bày nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong mô hình tôm – lúa như nuôi xen canh, đa canh đối tượng thuỷ sản khác, tận dụng tối đa mặt nước nhằm tăng sản lượng, tăng lợi nhuận với chi phí thấp;  cách phòng bệnh hiệu quả trong mô hình tôm lúa như cải tạo lại công trình, thả nuôi mật độ hợp lý, quan tâm theo dõi dự báo thời tiết để có hướng xử lý kịp thời;... Đại biểu tham dự Hội thảo cũng được giới thiệu một số bệnh thườg gặp trên tôm giống, những bệnh có tần suất xuất hiện nhiều trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 như bệnh còi MBV, với tỷ lệ nhiễm trên tôm giống từ 25 – 26%, bệnh vi bào tử trùng EHP, với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 10 – 13%; phương pháp chọn được tôm giống tốt bằng cách chọn các trại tôm có uy tín, cảm quan và gây sốc, thả tôm giống có kích cở lớn, có thể tránh được sự săn đuổi của địch hại.

Phong benh tom lua

 Gs. Ts Đặng Thị Hoàng Oanh trình bày tại Hội thảo

 

Gs. Ts Đặng Thị Hoàng Oanh đã thông tin cụ thể tác nhân gây bệnh, giai đoạn cảm nhiễm, .... về một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi như bệnh vi bào tử trùng EHP, bệnh hoại tử gan tuỵ cấp tính hay còn gọi là bệnh chết sớm EMS, và đặc biệt là bệnh mới xuất hiện gần đây là bệnh thuỷ tinh GPD hay bệnh mờ đục TPD ở tôm thẻ chân trắng giai đoạn giống. Giáo sư, tiến sỹ Oanh cũng lưu ý việc sử dụng hoá chất, kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản cần được kiểm soát chặt chẽ, không lạm dụng hoá chất, kháng sinh  một cách vô tội vạ và không đúng phương pháp, vừa tốn kém, vừa gây bất lợi cho tôm nuôi; cần thả nuôi mật độ hợp lý để giảm tỷ lệ rủi ro, nuôi tôm được kích cở lớn, giá bán cao và tăng lợi nhuận.

Phong benh tom lua

Ông Đào Đắc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên kết luận hội thảo

 

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Đào Đắc Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên đánh giá rất cao cuộc Hội thảo. Các diễn giả đến từ viện, trường đã cung cấp rất nhiều thông tin, giải pháp hay để bà con phòng bệnh hiệu quả phát triển mô hình tôm – lúa. Đồng chí đề nghị phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ban ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn, tham mưu UBND huyện nghiên cứu triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã được trình bày tại Hội thảo. Đối với các ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã cần tiếp tục tuyên truyền ý nghĩa của mô hình tôm – lúa bền vững; vận động các đoàn viên, hội viên, bà con nông dân lấp lại vụ lúa sau vụ nuôi tôm. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 13-CT/HU, ngày 16/02/2023 của Ban thường vụ Huyện ủy; Đối với các Hợp tác  xã, Tổ hợp tác, bà con nông dân phải chấp hành tốt chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện về việc lấp lúa nền tôm. Sau buổi Hội thảo này, tiếp thu những ý kiến của các Diễn giả về các mô hình hiệu quả để áp dụng vào thực tế sản xuất, tuyên truyền cho các hộ nông dân khác làm theo. Đồng thời, cần năng động, sáng tạo trong sản xuất, chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn; đa dạng hóa đối tượng cây trồng, vật nuôi; nuôi trồng xen canh, luân canh nhằm phát huy tối đa sức sản xuất của đất, tăng giá trị sản xuất trên cùng 1 đơn vị diện tích, tham gia vào các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để sản xuất có hiệu quả hơn; thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận; Đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ huyện Mỹ Xuyên phát triền mô hình tôm – lúa, giới thệu các giống cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với vùng tôm – lúa của huyện, phát triển và nhân rộng mô hình tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên nói riêng và của tỉnh Sóc Trăng nói chung; Đề nghị các viện, trường giơí thiệu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất tôm – lúa trong nước và trên thế giới để phát triển phù hợp với vùng tôm – lúa huyện Mỹ Xuyên; Đối vớicác doanh nghiệp cần chủ động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tôm – lúa của huyện, hình thành các chuỗi liên kết bền vững, dài lâu trên cơ sở cùng có lợi, chia sẽ, hài hòa lợi ích của các bên, tranh thủ các chủ trương, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, hợp tác với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và nông dân phát triển mô hình tôm – lúa, phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn.

 

Hy vọng, với sự đồng lòng của người dân, sự lãnh chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện và các địa phương, sự hỗ trợ của các viện, trường, các cơ quan chuyên mô của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sự hợp tác của các doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các giải pháp đã được nêu ra trong buổi hội thảo; huyện Mỹ Xuyên sẽ kéo giảm được tỷ lệ tôm nuôi bị thiệt hại, nhằm đưa mô hình tôm – lúa của huyện phát triển hơn nữa, ổn định và nâng cao đời sống người dân, góp phần xây dựng huyện Mỹ Xuyên thành huyện Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Tăng Thanh Chí

Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 42
Truy cập trong 7 ngày :194
Tổng lượt truy cập : 13,750