Banner Ngày 3/5/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Ngày 15/3 hàng năm được Liên Hợp quốc chính thức tuyên bố là Ngày Quyền của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15/3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Ngay tieu dung VN

 

Ngày 15/3/1962, cố Tổng thống Hoa Kỳ John F.Kennedy đã tuyên bố trong một bài phát biểu tại Thượng viện Mỹ rằng “Người tiêu dùng bao gồm tất cả chúng ta. Đây là nhóm đối tượng lớn nhất trong nền kinh tế, tương tác với hầu hết các quyết định kinh tế. Tuy nhiên, dù quan trọng như thế, nhưng ý kiến và quan điểm của người tiêu dùng lại không được lắng nghe.”

 

Cũng trong bài phát biểu này, cố Tổng thống John J. Kennedy đã chỉ ra 04 quyền cơ bản của người tiêu dùng, cụ thể: Quyền được an toàn: Hàng hóa không được gây hại cho người tiêu dùng; Quyền được cung cấp thông tin: Doanh nghiệp nên cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác để người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn…, người tiêu dùng được bảo vệ khỏi những thông tin gây nhầm lẫn trong lĩnh vực quảng cáo, tài chính, gắn nhãn…; Quyền được lựa chọn hàng hoá, dịch vụ: Người tiêu dùng được tự do lựa chọn hàng hóa và doanh nghiệp cung cấp hàng hóa; Quyền được lắng nghe, góp ý: Người tiêu dùng có quyền phản ánh, khiếu nại về hàng hóa và quyền nhận được sự xem xét, giải quyết triệt để và hiệu quả các phản ánh, khiếu nại đó.

 

Năm 1985, nội dung về quyền của người tiêu dùng được Liên hợp quốc (United Nations - UN) công nhận và mở rộng ra thành 08 quyền cơ bản của người tiêu dùng trong tài liệu Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Bảo vệ người tiêu dùng (United Nations Guidelines on Consumer Protection). Sau đó, Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế (Consumer International - CI) bắt đầu công nhận ngày 15/3 là Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới; hàng năm tổ chức sự kiện này với mục tiêu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các quốc gia.

 

Tại Việt Nam, ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, theo đó lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Quyết định 1035/QĐ-TTg nêu rõ, việc công nhận Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và nền kinh tế đất nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác này; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.

 

“Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" mang ý nghĩa quan trọng, được tổ chức hàng năm với chủ đề khác nhau cùng với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua nhiều hình thức, phương tiện truyền thông từ Trung ương đến địa phương các cấp được tổ chức nhằm đưa Luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến với mọi đối tượng. Ngày 15/3 cũng góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời phát huy sức mạnh, khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng,... Qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy kinh tế phát triển.

 

Trên cơ sở Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 6022/KH-BCT đề xuất hoạt động và lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 là: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”.

 

Với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, Bộ Công Thương kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.

 

Theo Kế hoạch, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2024 trong đó tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm hoặc các dịp mua sắm cao điểm trên thị trường. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 sẽ bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2023 (tháng 11), được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2024, tùy theo tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương.

PV

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 22
Truy cập trong 7 ngày :105
Tổng lượt truy cập : 12,809