Banner Ngày 21/5/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Nhằm thực thi Nghị định thư thứ 3 sửa đổi một số điều khoản về Quy tắc xuất xứ và Thuế quan của Hiệp định Thương mại Hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 150/NQ-CP ngày 22/9/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BCT ngày 27/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2014/TT-BCT ngày 25/6/2014. 

 Xuat xu hang hoa

Ảnh minh hoạ

 

Trước đó, từ ngày 25-27/3, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội nghị Chuyển đổi Quy tắc mặt hàng trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc năm 2024 do Bộ Công thương Việt Nam tổ chức đã kết thúc tốt đẹp. Đây là hội nghị quan trọng nhằm rà soát và hướng tới mục tiêu gần 7.000 dòng thuế của danh mục quy tắc mặt hàng (PSR) trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) được chuyển đổi từ mã hệ thống hài hòa (Harmonized System - HS) của Tổ chức Hải quan thế giới 2017 sang HS 2022; thảo luận tiến độ và cơ chế thực thi quy tắc xuất xứ theo HS mới. Hội nghị có sự tham dự của hơn 80 đại biểu đến từ 10 nước ASEAN, Hàn Quốc và Ban thư ký ASEAN.

 

Việc đảm bảo hàng hóa có xuất xứ rõ ràng sẽ giúp cho việc xuất nhập khẩu thuận lợi, hưởng các ưu đãi thuế suất.

 

Thời gian gần đây, Hàn Quốc liên tục là một trong những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA cao nhất. Năm 2023, thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi 52,1%, với kim ngạch hàng hóa có giấy chứng nhận xuất xứ xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD. Doanh nghiệp đã có nhận thức nhất định về việc sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi như một công cụ hữu hiệu trong kế hoạch kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường Việt Nam có cam kết để hưởng ưu đãi thuế quan.

 

Nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu đi Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA tốt nhất gồm thủy sản (96,32%). Các mặt hàng nông sản như rau quả, cà phê và hạt tiêu đều có tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi rất cao, lần lượt đạt 91,18%, 94,54% và 100%. Gỗ và sản phẩm gỗ (73,76%); giày dép và hàng dệt may có tỷ lệ gần 100%.

 

Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, quy tắc xuất xứ chính là công cụ vô hiệu hóa lợi thế của FTA nếu hàng hóa không đáp ứng và là công cụ phân biệt lợi thế của các nước trong FTA với các nước bên ngoài FTA.

 

Theo Thông tư, sửa đổi Điều 4 Phụ lục I (Quy tắc xuất xứ) ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT về trao quyền lựa chọn công thức tính hàm lượng giá trị khu vực (RVC) theo cách tính trực tiếp hoặc gián tiếp cho nhà xuất khẩu/nhà sản xuất để sử dụng cố định trong suốt một năm tài chính và phục vụ xác minh hậu kiểm.

 

Sửa đổi khoản 1 Điều 5 Phụ lục V (Thủ tục cấp và kiểm tra C/O) ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT về hợp thức hóa thực tiễn lựa chọn cấp C/O điện tử (ký, đóng dấu và cấp dưới dạng điện tử) hoặc cấp C/O truyền thống (ký, đóng dấu và cấp tay). Việc cấp C/O dưới dạng điện tử nêu trên đã và đang được Hàn Quốc áp dụng và cơ quan hải quan ASEAN chấp nhận kể từ năm 2008 sau khi các Bên ký Hiệp định AKFTA.

 

Sửa đổi tên gọi “Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc” thành “Hiệp định Thương mại Hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Hàn Quốc”.

Nguyên Tân

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 28
Truy cập trong 7 ngày :119
Tổng lượt truy cập : 13,088