Banner Ngày 6/5/2024
Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2025 ( 24/04/2024 )

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 (Ngày 26/4), sáng ngày 25/4, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Sở hữu trí tuệ - nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội”. Hội thảo thu hút sự tham gia của lãnh đạo, quản lý Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh vùng ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, Cục Sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

 SHTT CT

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Bảo Kỳ, Nguồn: Dân trí).

 

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ Ngô Anh Tín nhấn mạnh: Vai trò của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ và nâng cao tốc độ đổi mới sáng tạo (ÐMST) ngày càng được thừa nhận rộng rãi. Việc bảo hộ quyền SHTT sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tại các quốc gia đang phát triển. Các quyền SHTT cũng là nhân tố chính đảm bảo tăng trưởng các hoạt động giá trị gia tăng và phát triển thương mại quốc tế. Hội thảo hôm nay sẽ chia sẻ, cung cấp và kết nối thông tin hữu ích về SHTT giúp tổ chức, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp tham gia nâng cao nhận thức về SHTT, thúc đẩy hoạt động ÐMST, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ nói riêng và các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung.

 SHTT CT

Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: Bảo Kỳ, Nguồn: Dân Trí).

 

Các bài tham luận tại hội thảo tập trung vào nội dung về SHTT trong thúc đẩy ÐMST và phát triển kinh tế - xã hội; phát triển tài sản trí tuệ từ hoạt động R&D và ÐMST tại Trường Đại học Cần Thơ; giải pháp nâng cao giá trị doanh nghiệp thông qua hoạt động ÐMST và phát triển tài sản trí tuệ.

 SHTT CT

Chủ trì buổi toạ đàm, từ trái qua, PGS.TS Phạm Minh Đức (Trường Đại học Cần Thơ); bà Nguyễn Xuân Trang (Giám đốc Cty TNHH XK BB Quốc tế); TS. Trương Hoàng Phương (Phó giám đốc Sở KH&CN Cần thơ); ông Trần Giang Khuê (Trưởng VP miền Nam thuộc Cục Sở hữu trí tuệ)

 

Kết thúc phần tham luận tại Hội thảo là phiên tọa đàm “Giải pháp phát huy vai trò của SHTT thúc đẩy ÐMST và phát triển kinh tế - xã hội”. Tại Hội thảo, các đai biểu được tham quan các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của TP Cần Thơ và khu vực ÐBSCL đã được bảo hộ quyền SHTT; hoạt động tư vấn, kết nối đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

 SHTT CT

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội thảo

 

Riêng tại Cần Thơ, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp thành phố Cần thơ đến năm 2022 đạt 13,31%.  Tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ trung bình so với tổng giá trị sản phẩm là 32,5%. Kết quả này đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế của thành phố. Thông qua chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ, giai đoạn 2016-2020, các tổ chức, cá nhân đã dần chủ động đăng ký bảo hộ SHTT, kết quả ghi nhận TP Cần Thơ có 2.406 đơn đăng ký bảo hộ được Cục SHTT chấp nhận (tăng 56,8% so với giai đoạn 2011-2015) và 1.434 văn bằng bảo hộ được cấp mới (tăng 34,5% so với giai đoạn 2011-2015).

 

Về chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index) vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào tháng 3-2024, TP Cần Thơ xếp thứ 5, với điểm số 49,66. Trong đó, nhiều chỉ số có điểm số khá cao như cơ sở hạ tầng 55,45 điểm, đứng thứ 9; sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ 52,52 điểm, đứng thứ 12; thể chế 50,02 điểm, đứng thứ 6… Thành phố cũng là địa phương có xếp hạng đầu ra ĐMST đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội. Kết quả này cho thấy, thành phố nổi trội về sản phẩm tri thức, sáng tạo công nghệ với đơn vị đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích cùng giống cây trồng.

LHHST

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truy cập hôm nay : 12
Truy cập trong 7 ngày :118
Tổng lượt truy cập : 12,851